menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình nhập khẩu thức ăn chăn nuôi năm 2008

13:38 12/02/2009
Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cùng với xu hướng giá hầu hết các mặt hàng giảm mạnh thì giá các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời gian gần đây cũng đã giảm rất mạnh, nhất là ở các mặt hàng như đậu tương, khô đậu tương, ngô, cám gạo... Hiện giá khô đậu tương trên thị trường thế giới đã giảm còn 290 USD/tấn, giảm tới trên 30% so với mức đỉnh đạt được hồi tháng 6/2008; giá ngô là 195 USD/tấn, giảm trên 45%. Cùng với giá thế giới giảm, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu vào nước ta trong những tuần gần đây cũng đã giảm khá mạnh. Cụ thể, trong những ngày cuối tháng 12/2008, giá nhập khẩu khô đậu tương đã giảm còn 300 - 380 USD/tấn (CFR hoặc CIF), giảm khoảng 30% - 35% so với giá nhập khẩu trong tháng 7/2008.
           
Trong khi giá nhập khẩu giảm mạnh thì giá bán lẻ thức ăn chăn nuôi ở trong nước chỉ giảm nhẹ, hiện giảm khoảng 15% so với mức giá hồi đầu tháng 10/2008.
Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi có nguy cơ phải ngừng sản xuất hoặc phá sản do thua lỗ vì đã nhập nhiều nguyên liệu đầu vào ở mức giá cao. Thống kê ước tính cho thấy, tổng lượng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tồn kho của cả nước hiện lên đến hơn 200 ngàn tấn, trong đó lượng sắn tồn khoảng 12 ngàn tấn, khô đậu tương là 80 ngàn tấn và sắn lát là trên 100 ngàn tấn.
Lượng tồn kho lớn, tiêu thụ trong nước chậm và giá thế giới giảm mạnh đã khiến nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của nước ta trong những tháng gần đây giảm khá mạnh.
Theo số liệu thống kê ước tính, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam năm 2008 đạt trên 1,66 tỷ USD, tăng 35,4% so với năm 2007. Trong đó, nhập khẩu khô đậu tương đạt khoảng trên 2 triệu tấn, trị giá 672,6 triệu USD, tăng 1,2% về lượng và tăng 53% về trị giá so với năm 2007. Giá nhập khẩu trung bình đạt 457 USD/tấn, tăng 155 USD/tấn (tương đương +155 USD/tấn) so với giá nhập về năm ngoái. Mặt hàng này được nhập về chủ yếu từ thị trường ấn Độ, Achentina, A Rập Xê út, Mỹ, Trung Quốc... Trong đó, nhập khẩu từ A Rập Xe út có giá thấp nhất, trung bình 406 USD/tấn, thấp hơn khoảng 30 – 70 USD/tấn so với giá nhập khẩu từ các thị trường khác.
Nhập khẩu bột mịn của động vật trên cạn đạt khoảng 210 ngàn tấn với trị giá 90 triệu USD, tăng 7,19% về lượng và tăng 83,33% về trị giá so với năm 2007. Lượng bột mịn này được nhập về nhiều nhất từ Italia đạt 52 ngàn tấn với giá nhập khẩu trung bình 365 USD/tấn; tiếp đến Achentina đạt 32 ngàn tấn, giá nhập khẩu trung bình đạt 464 USD/tấn; Mỹ đạt trên 22 ngàn tấn với giá 656 USD/tấn…
Bên cạnh đó, nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn giá súc khác như cám ngô, thức ăn cho tôm, cho chó, mèo, khô dầu cải, khô dầu lạc cũng tăng khá so với năm 2007.
Cơ cấu thị trường nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu năm 2008 nhìn chung ổn định. ấn Độ tiếp tục là thị trường cung cấp thức ăn gia súc đạt kim ngạch lớn nhất của nước ta với trên 784 triệu USD, tăng 74,02% so với năm 2007. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu khô đậu tương nhập về từ thị trường này chiếm 87,63%, đạt 687 triệu USD. So với năm 2007, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc về từ một số thị trường khác cũng tăng mạnh như Mỹ tăng 120,85%; Braxin tăng 184,47%; Malaysia tăng 127,36%; Pháp tăng 122,96%....
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu về từ thị trường Achentina lại giảm 2,84% so với năm 2007, đạt 209 triệu USD. Chủng loại nhập về chủ yếu từ thị trường này là khô đậu tương, cám mỳ, chất tổng hợp và bột mịn của động vật trên cạn.

Kim ngạch nhập khẩu về từ thị trường Thái Lan cũng giảm 15,13%; Indonesia giảm 8,64%; Đài Loan giảm 8,53% so với năm 2007…

(tin thương mại)

 

Nguồn:Vinanet