menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan tình hình thương mại du lịch của cả nước 3 tháng đầu năm 2008

08:55 18/04/2008

- Lĩnh vực bán lẻ: việc hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và lạm phát cao đã có nhiều tác động đến lĩnh vực này. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quí I/2008 theo giá trị thực tế, ước đạt 218,3 ngàn tỷ đồng, tăng 29,2% so với quí I năm 2007. Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, ngành thương nghiệp chiếm 82,5% và tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước; khách sạn nhà hàng chiếm 11% và tăng 26,1%; du lịch lữ hành chiếm 1,4% và tăng 31,3%; dịch vụ chiếm 5,1% và tăng 28,4%. Ở lĩnh vực bán lẻ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang dần khẳng định ưu thế với mức tăng 38,1%; khu vực ngoài nhà nước khác cũng không kém phần với mức tăng 34-36%; riêng khu vực kinh tế nhà nước giảm 1,4%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quí I năm nay tăng khoảng 13%, thấp hơn mức tăng 15% của quí I năm trước. Các chuyên gia cho rằng đó là do tác động bởi lạm phát cao dẫn đến sức mua giảm.

-Llĩnh vực xuất nhập khẩu, giá trị xuất khẩu hàng hoá quí I ước đạt 13,03 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 5,37 tỷ USD, tăng 14,6%, khu vực vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 5,04 tỷ USD, tăng 21,1% và dầu thô 2,62 tỷ, tăng 48,1%. Nhìn chung trong quí I năm nay giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ yếu (trừ than đá, xe đạp và phụ tùng xe đạp) đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Đến hết tháng 3/2008, đã có 3 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và cả 3 mặt hàng này đều có tốc độ tăng cao so với quí I năm trước. Đó là, dầu thô đạt trên 2,6 tỷ USD, tăng 48,1%; dệt may 1,9 tỷ USD, tăng 20,2%; giày dép trên 1 tỷ USD, tăng 16,1%. Xuất khẩu thuỷ sản đạt 797 triệu USD, tăng 11,4% so với quí I năm trước; Cà phê 795 triệu USD, tăng 2,7%; sản phẩm gỗ 691 triệu USD, tăng 21,3%; điện tử, máy tính 532 triệu USD, tăng 16,8%; gạo 366 triệu USD, tăng 42,6%.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng tăng chủ yếu do giá xuất khẩu tăng cao như: giá dầu thô tăng 64,4%; than đá tăng 51,8%; gạo tăng 35,3%; cà phê tăng 38,4%; cao su tăng 30,3%; hạt tiêu tăng 34,3%; hạt điều tăng 19,6%, chè tăng 37,4%. Nếu tính riêng 8 mặt hàng này thì giá trị xuất khẩu tăng do tăng giá đã khoảng 1,5 tỷ USD (riêng dầu thô và than đá được lợi khoảng 1,1 tỷ USD do giá xuất khẩu tăng. Điều đáng nói là giá xuất khẩu tăng chủ yếu do giá thị trường chung trên thế giới tăng chứ không phải chỉ riêng sản phẩm của Việt Nam.

Trong khi đó, nhập khẩu lại lập kỷ lục mới về nhập siêu. Giá trị nhập khẩu hàng hoá quí I ước tính đạt gần 20,4 tỷ USD, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 75,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 39%. Nhập khẩu tăng cao được lý giải là do nhập khẩu máy móc thiết bị và một số vật tư, nguyên liệu tăng cao (lượng nhập khẩu xăng dầu tăng 21,8%, sắt thép tăng 110,7%; phân bón tăng 18,2%...) cùng với giá nhập khẩu của một số nguyên vật liệu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, nhập khẩu trong quí I được xem là tăng quá cao so với tốc độ tăng xuất khẩu (62,5% so với 22,7%) và xu hướng ngày càng doãng ra qua các tháng đã làm gia tăng nhập siêu. Giá trị hàng hoá nhập siêu quí I/2008 là 7,4 tỷ USD, bằng 56,5% giá trị xuất khẩu hàng hoá và tăng gấp 3,5 lần so với mức nhập siêu của quí I năm 2007. Chính vì vậy, giảm nhập siêu cũng là một trong những việc làm cấp bách của các nhà hoạch định chính sách. Một trong những giải pháp được đưa ra đó là đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng. Trong đó rõ nét nhất là việc tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ôtô và linh kiện ôtô nhập khẩu.

(VENO)

Nguồn:Vinanet