menu search
Đóng menu
Đóng

Việt Nam chi hàng triệu USD nhập cám gạo

16:26 27/07/2010
Ít ai nghĩ rằng nước ta mỗi năm sản xuất trên 35 triệu tấn lúa, lại phải nhập khẩu hàng ngàn tấn cám gạo để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ít ai nghĩ rằng nước ta mỗi năm sản xuất trên 35 triệu tấn lúa, lại phải nhập khẩu hàng ngàn tấn cám gạo để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hiện tại cám nguyên liệu, đặc biệt là cám gạo, không phải là mặt hàng chính trong cơ cấu nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi truyền thống của VN, bởi chỉ chiếm gần 1% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2009. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tăng đột biến trong hơn hai năm qua.
Theo số liệu của cơ quan hải quan, trong năm tháng đầu năm 2010 lượng cám gạo nhập khẩu trên 6.000 tấn với kim ngạch trên 10 triệu USD, tăng 170% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ, chiếm 80-90% tỉ trọng trong cơ cấu nhập khẩu.
Theo các nhà nhập khẩu, giá cám nhập khá rẻ so với cám trong nước. Chính vì vậy, thị trường cám gạo nhập khẩu trong nước trở nên sôi động với hàng chục nhà nhập khẩu lớn và hàng trăm nhà buôn nhỏ trên khắp cả nước. Ngay cả những công ty môi giới nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nước ngoài mới đây cũng bổ sung mặt hàng cám gạo tại thị trường VN.
Một công ty Ấn Độ tại TP.HCM cho biết đang cung cấp cám gạo từ Ấn Độ với giá 167 USD/tấn theo phương thức CNF (người bán thuê tàu) với số lượng lớn. Các doanh nghiệp VN ngày càng nhập khẩu nhiều cám gạo từ nước ngoài do giá bán rẻ hơn cám gạo trong nước. Không chỉ giá rẻ, chất lượng cám gạo nhập khẩu cũng không thua kém hàng trong nước, thậm chí còn tốt hơn. Bởi vì cám trong nước là cám y (cám nguyên, chưa trích ly lấy chất béo) nên không để được lâu, chỉ 1-2 tuần là hỏng. Trong khi cám nước ngoài đã được lấy dầu nên thời gian bảo quản lâu hơn và độ đạm cũng cao hơn. So với cám trong nước, cám nhập có độ ẩm thấp hơn (9% so với 14%) và độ đạm cao hơn (16% so với 12%).
Tuy nhiên, nhập khẩu cám nước ngoài gặp không ít rủi ro khi giá thế giới biến động mạnh và thời tiết. Nhập khẩu cám từ Ấn Độ giống như đánh bạc với thời tiết và điều kiện vận chuyển. Chỉ cần sơ hở một chút là cả lô cám bị mốc coi như bỏ đi.
Chính vì vậy, các hãng bảo hiểm khi nhắc tới hàng cám nhập này đã thẳng thừng tuyên bố chỉ bảo hiểm cho hàng bị mất chứ không bảo hiểm nếu bị mốc do thời tiết. Chưa kể trong điều kiện giá cả thế giới biến động thất thường thì có thể bị hủy hợp đồng đã ký hoặc nhận phải hàng kém chất lượng.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Nghiên cứu và phân tích thị trường (Agromonitor), một nước xuất khẩu gạo lớn như VN, mỗi năm cung cấp 5-6 triệu tấn cám gạo cho thị trường thức ăn chăn nuôi, việc phải nhập khẩu cám gạo ngày càng nhiều là điều cần phải xem lại về mặt chiến lược phát triển ngành thức ăn chăn nuôi.
 

Nguồn:Tin nhanh hàng ngày