menu search
Đóng menu
Đóng

Xây dựng thương hiệu gạo: Nhìn từ phân khúc gạo thơm

16:53 05/09/2008
Là cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng gạo Việt Nam trên thị trường nội địa đôi lúc vẫn bị gạo Thái lấn sân, đặc biệt là ở các loại gạo đặc sản. Nguyên nhân có lẽ chính là vì thương hiệu, chỉ dẫn địa lý không rõ ràng, khiến các loại gạo đặc sản chưa được người tiêu dùng tin tưởng
Sau cơn sốt giá gạo hồi tháng 4, gạo loại thường đã xuống giá. Riêng gạo thơm vẫn duy trì “phong độ” và giá lúa thơm vẫn ở mức 7.200 – 7.300đ/kg, trong khi giá lúa thường chỉ 4.700đ/kg.
Gạo thơm bên ngoài sẽ tràn vào
Ông Hồ Minh Khải, giám đốc công ty nông nghiệp Cờ Đỏ cảnh báo: Tuy nhiên vụ đông xuân tới, diện tích lúa thơm sẽ giảm sản lượng do làm lúa loại trung bình dễ bán hơn. Lúc đó, gạo thơm Thái và Campuchia sẽ tràn vào Việt Nam
Nguyên nhân tình trạng diện tích lúa thơm có thể sẽ giảm là do giá thành sản xuất cao, sản phẩm khó bán. Chẳng hạn, gạo Jasmine phải ký hợp đồng xuất khẩu với giá 950 USD/tấn mới có lời. Nhưng chào giá đó, ai sẽ mua khi gạo đặc sản Việt Nam chưa có tiếng trên thị trường thế giới? Gạo 5% tấm của Việt Nam phổ biến đã giảm xuống 540 USD/tấn hồi cuối tháng 8.2008.
Việc sản xuất đại trà các loại gạo đặc sản cũng gặp trở ngại trong tiêu thụ nội địa do phải khai thác phân khúc thị trường hẹp (những người thu nhập cao), trong khi các loại gạo đặc sản giả hiệu như nàng thơm chợ đào, gạo đỏ huyết rồng... bán tràn lan.
Bên cạnh việc tìm cách xuất khẩu gạo thơm, việc duy trì khả năng cung cấp cho thị trường trong nước, thậm chí chỉ cung cấp cho dân Sài Gòn thôi, bằng việc tạo ra sản phẩm có thương hiệu, phân phối ở địa chỉ tin cậy (như siêu thị) đang là hướng đi mới cho người làm gạo nội địa.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nếu có các hợp đồng xuất khẩu cấp chính phủ tạo cơ hội cho gạo thơm, thì diện tích lúa thơm mới tăng mạnh.

Nguồn:Internet