menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu 9 tháng: Tăng trưởng cao ở cả khu vực kinh tế trong nước và FDI

09:14 21/10/2014
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy một số điểm nhấn về xuất/nhập khẩu 9 tháng, trong đó, tăng trưởng cao đạt được cả ở khu vực kinh tế trong nước và FDI.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy một số điểm nhấn về xuất/nhập khẩu 9 tháng, trong đó, tăng trưởng cao đạt được cả ở khu vực kinh tế trong nước và FDI.

Trong 9 tháng qua, xuất khẩu là một trong những lĩnh vực đạt kết quả nổi bật nhất so với các ngành, lĩnh vực khác, nhất là về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2013 (tăng 14,4%).

Tăng trưởng cao đạt được ở cả 2 khu vực: khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù khu vực kinh tế trong nước so với khu vực có vốn FDI chiếm tỷ trọng nhỏ hơn (33% so với 67%) và so với cùng kỳ tăng thấp hơn (tăng 13,1% so với tăng 15,1%), nhưng tăng với tốc độ 2 chữ số cũng là tốc độ cao, là một cố gắng đáng khích lệ.

Qua 9 tháng đã có 24 mặt hàng đạt kim ngạch trên 750 triệu USD, trong đó có 21 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên, với tổng kim ngạch đạt 93,1 tỷ, chiếm 84,7% tổng kim ngạch xuất khẩu đặc biệt có 11 mặt hàng đạt trên 2 tỷ USD.

Cụ thể: Điện thoại (dẫn đầu) đạt 17,26 tỷ USD; dệt may 15,52 tỷ USD; máy tính, điện thoại 7, 49 tỷ USD; giày dép 7,44; dầu thô 5,81; thủy sản 5,75; máy móc các loại 5,33; gỗ và sản phẩm gỗ 4,45; phương tiện vận tải 4,16; cà phế 2,88; gạo 2,28 tỷ USD.

Những con số nói lên nhiều điều, theo đó, một mặt vừa phải tranh thủ mở rộng và tăng giá trị (như clinke và xi măng; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; vải mảnh, vải kỹ thuật khác; sản phẩm gốm sứ; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ…) nhằm khai thác các nguồn lực về lao động, tay nghề truyền thống, nguồn nguyên liệu ở các vùng miền.

Mặt khác, cần tập trung tạo điều kiện về vốn liếng (cả tiếp cận, lượng vốn, lãi suất…), đào tạo nghề, quảng bá tiếp thị… bởi giá trị tuyệt đối của 1% tăng lên những mặt hàng này lớn hơn nhiều những mặt hàng khác.

Thêm nữa, cơ cấu mặt hàng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, khi tỷ trọng những mặt hàng có kỹ thuật- công nghệ khá tăng lên (như điện thoại; máy ảnh, máy quay phim; hàng điện tử, máy tính; máy móc, thiết bị…).

Tính theo địa bàn, ở tất cả có 63 tỉnh/thành phố đều có hàng hoá xuất khẩu. Trong 9 tháng đã có một nửa số tỉnh/thành phố đạt từ 500 triệu USD trở lên, trong đó có 31 địa bàn đạt từ 1 tỷ USD trở lên, đặc biệt có 10 địa bàn đạt trên 2 tỷ USD.

TPHCM 23,28 tỷ USD; Bắc Ninh 16,07; Bình Dương 12,31; Đồng Nai 9,68; Hà Nội 8,1; Thái Nguyên 4,42; Hải Dương 3,15; Hải Phòng 2,78; Long An 2,35; Bà Rịa-Vũng Tàu 2,31.

Đáng lưu ý, đây đều là những địa bàn có nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đã đưa vào sản xuất, trong đó có Bắc Ninh 2 năm liền vượt lên đứng thứ 2 và Thái Nguyên mới qua 9 tháng đã đạt 4,42 tỷ USD, đứng thứ 6 (trong khi cả năm ngoái đạt 246 triệu USD, đứng thứ 46).

Về thị trường, mới qua 9 tháng đã có 31/75 thị trường lớn đạt trên 500 triệu USD, trong đó có 27 thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên, với kim ngạch đạt trên 97,5 tỷ USD, chiếm 88,7% tổng số.

Trong đó, có 14 thị trường đạt từ 2 tỷ USD trở lên. Cao nhất là Hoa Kỳ (20,85 tỷ USD), thấp nhất là Singapore (2,06 tỷ USD).

Do xuất khẩu đạt quy mô và tăng cao hơn nhập khẩu, nên trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã ở vị thế xuất siêu khá (trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 379 triệu USD). Khu vực FDI xuất siêu khá lớn, với tỷ lệ xuất siêu so với xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước (17,6% so với 14,2%). Việt Nam xuất siêu ở 57/81 thị trường có thống kê, trong đó xuất siêu trên 100 triệu USD có 37 và xuất siêu từ 1 tỷ USD trở lên có 15, lớn nhất là Hoa Kỳ 16,23 tỷ USD, tiếp đến là Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 3,24 tỷ USD, Hồng Công 2,73 tỷ USD, Hà Lan 2,25 tỷ USD, Anh 2,2 tỷ USD...

Từ diễn biến 9 tháng, có thể dự báo xuất/nhập khẩu cho cả năm 2014. Nếu giữ được tốc độ tăng xấp xỉ với 9 tháng (chẳng hạn là 14%), thì tổng kim ngạch cả năm sẽ đạt được khoảng 150,5 tỷ USD, tăng trên 18 tỷ USD so với năm trước và vượt trên 5 tỷ USD so với kế hoạch. Nếu nhập khẩu tăng cao hơn 9 tháng một chút (chẳng hạn tăng 11,8%), thì tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 147,6 tỷ USD, tăng khoảng trên 15 tỷ USD so với năm trước. Khả năng cả năm sẽ xuất siêu xấp xỉ 3 tỷ USD- không những lớn nhất từ trước tới nay, mà còn ngược chiều hay vượt xa so với kế hoạch (chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 nhập siêu bằng 6% xuất khẩu, tính ra sẽ vào khoảng 8,7 tỷ U SSD).

Cũng từ diễn biến và dự báo trên, so sánh với dự kiến chỉ tiêu xuất khẩu (tăng 10%) và nhập siêu (bằng 5% xuất khẩu) thì có thể sẽ là năm thứ 4 liên tiếp thực tế sẽ vượt kế hoạch. Do vậy các nhà hoạch định kinh tế vĩ mô cần tham khảo ý kiến này; hơn nữa mục tiêu tổng quát của sang năm “ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát” vẫn được xếp trên “tăng trưởng”. Nhân đây cũng lưu ý, xuất/nhập khẩu, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn tăng cao hơn tốc độ chung: xuất khẩu tăng 16,5%, nhập khẩu tăng 16,2%, nhập siêu sau 9 tháng đã lên đến gần 20,2 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ; khả năng cả năm sẽ vượt kỷ lục trong năm trước (23,7 tỷ USD).

Nguồn: Chính phủ

 

Nguồn:Tin tham khảo