Những thông tin bất lợi về thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam được một số quốc gia công bố những ngày gần đây dự báo sẽ ảnh hưởng lớn ngành này trong năm nay. Thế nhưng, những diễn biến về tình hình xuất khẩu và nội địa trong khoảng một tháng qua cho thấy ngành cá tra lại đang có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ.
Xuất khẩu tháng 1-2014 tăng cả khối lượng và giá trị
Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng Tiền Giang (GODACO), hiện nay xuất khẩu sản phẩm cá tra vào thị trường châu Âu đang tốt lên, có sự cải thiện đáng kể cả về lượng mua và giá bán.
Nói chung lượng hàng bán vào châu Âu đã tăng lên, giá cả cũng tăng khoảng 5% so với thời đểm trước Tết. Ngoài ra, những thị trường khác cũng đồng loạt có chuyển biến tích cực theo xu hướng tăng cả về khối lượng nhập khẩu và giá cả.
Thực tế, thống kê của Hải quan Việt Nam cho biết kim ngạch xuất khẩu thủy sản, chủ yếu là cá tra và tôm, sang bốn thị trường chính gồm Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng mạnh trong tháng đầu năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 156 triệu đô la Mỹ, tăng gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái; sang EU đạt 96,5 triệu đô la Mỹ, tăng 11,8%; sang Nhật Bản đạt 87,3 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 22%; sang Hàn Quốc đạt 48 triệu đô la Mỹ, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo thời gian tới thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam, đặc biệt đối với mặt hàng cá tra phi-lê đông lạnh, sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu của thế giới đang tăng và đặc biệt là sự hồi phục ở thị trường châu Âu.
Giá cá nguyên liệu tăng theo
Thị trường xuất khẩu được cải thiện, trong khi nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu đang thiếu hụt đã có tác dụng kéo giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh kể kể sau Tết Nguyên đán đến nay.
Hiện cá nguyên liệu tại ĐBSCL được các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mua vào dao động khoảng 23.700-24.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.000-1.500 đồng/kg so với mức giá hồi cuối năm ngoái.
Trong 2-3 năm qua, doanh nghiệp nuôi cá và nông dân rơi bị lỗ lã, phá sản, nguồn vốn đầu tư cạn kiệt và tín dụng ngân hàng dành cho ngành cá tra khan hiếm khiến cho lượng cá tra nuôi giảm đáng kể, khi nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cũng làm giá tăng theo.
Với giá bán như hiện tại (23.700-24.000 đồng/kg), ít nhất cũng lãi khoảng 1.000 đồng/kg.
Cảnh giác với những tin xấu
Diễn biến trên trái ngược với các thông tin xấu về cá tra trong thời gian đây.
Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dựa trên kết quả thanh tra việc sản xuất cá tra mà đối tác Nga thực hiện tại Việt Nam vào tháng 12-2013, Nga đã quyết định tạm ngưng nhập khẩu một số mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra Việt Nam kể từ ngày 31-1-2014.
Theo VASEP, ngoài việc “tạm” bị cấm xuất khẩu vào Nga hay bị ảnh hưởng bởi dự luật mới của Mỹ (Farm Bill 2014), cá tra Việt Nam còn bị cảnh báo tại thị trường EU sau khi một khách hàng chuyên nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam là Công ty Seafood Connection B.V Hà Lan, ngày 27-1-2014 đã gửi một thông báo đến Cục Quản lý Chất lượng Nông sản và Thủy sản Việt Nam (NAFIQAD) thông báo việc một số doanh nghiệp Việt Nam sử dụng chất phụ gia E500/E501 (các muối carbonat hydro, sesquicarbonat của kali và natri) trong chế biến cá tra phi-lê đông lạnh- các chất này không nằm trong danh mục được phép sử dụng trong chế biến thủy sản ở cả EU và Việt Nam.
Nguồn: TBKTSG
Nguồn:Thời báo kinh tế Sài Gòn