menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu gạo: Cần phát triển mạnh loại gạo chất lượng cao

10:34 26/12/2012
Dự báo nhu cầu gạo chất lượng cao trong thời gian tới là rất lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết hiện nay, diện tích trồng các giống lúa chất lượng thấp đã có thay đổi, nhưng còn chậm hơn so với nhu cầu của thị trường gạo XK.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), điểm nổi bật của xuất khẩu (XK) gạo trong 11 tháng qua là lượng gạo chất lượng cao (gạo 5% tấm, gạo thơm, nếp) vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường XK với 3,358 triệu tấn, chiếm gần 60% tồng lượng gạo XK của cả nước, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2011. Dự báo nhu cầu gạo chất lượng cao trong thời gian tới là rất lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết hiện nay, diện tích trồng các giống lúa chất lượng thấp đã có thay đổi, nhưng còn chậm hơn so với nhu cầu của thị trường gạo XK.

Theo VFA, kết quả giao hàng từ ngày 1/11 - 29/11/2012 đạt 621.616 tấn, trị giá FOB 289,481 triệu USD, trị giá CIF 303,042 triệu USD. Lũy kế XK từ ngày 1/1 - 29/11/2011 đạt 7,104 triệu tấn, trị giá FOB 3,165 tỷ USD, trị giá CIF 3,250 tỷ USD.

Xu hướng gạo cao cấp

Năm 2008, do khủng hoảng kinh tế, Chính phủ Ấn Độ đã dừng XK gạo cho đến tháng 10/2011. Ấn Độ không tham gia thị trường khoảng 4,5 triệu tấn gạo trắng và gạo đồ, riêng gạo Basmati thì vẫn xuất trung bình hơn 2 triệu tấn/năm. Trong thời gian này, tại thị trường châu Phi, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chiếm lĩnh 25% trong tổng sản lượng gạo XK, chủ yếu là gạo cấp thấp. Từ khi quay trở lại thị trường gạo XK, Ấn

Độ nhanh chóng lấy lại phân khúc thị trường gạo cấp thấp ở thị trường châu Phi từ tay các DN Việt Nam, và các DN Việt Nam không thể cạnh tranh gạo cấp thấp với các DN Ấn Độ tại thị trường này. 

Ở thị trường gạo cao cấp, do chính sách hỗ trợ giá lúa cho nông dân đã khiến cho Thái Lan trở nên khó cạnh tranh với gạo cao cấp của Việt Nam. Nhận định tình hình trên, VFA đã khuyến khích nông dân trồng lúa chất lượng cao, vừa có thị trường lại vừa bán được giá cao. 

Theo ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA, trên thế giới đang hình thành 3 nhóm nước XK gạo. Nhóm XK gạo giá rẻ là: Ấn Độ, Pakistan và Myanmar. Sắp tới, Myanmar sẽ là mối đe dọa lớn nhất của Việt Nam trên thị trường gạo XK, vì tiềm năng phát triển nông nghiệp của Myanmar rất lớn. Đang có 200 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Myanmar ở lĩnh vực nông nghiệp, từ sản xuất đến chế biến XK, phương tiện vận chuyển, vận tải…, nên khoảng 2 - 3 năm nữa, Myanmar sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của gạo Việt Nam. 

Nhóm nước XK gạo giá cao là Thái Lan, hiện nước này đang tồn kho khoảng trên 12 triệu tấn gạo. Đang chịu áp lực giải phóng tồn kho, tuy nhiên vẫn không biết Chính phủ nước này có chính sách hạ giá để đẩy gạo tồn kho ra hay không? 

Nhóm thứ ba có khung giá trung bình thuộc về Việt nam. Từ cuối năm 2011, Việt Nam bị mất 25% thị phần gạo cấp thấp ở thị trường châu Phi vào tay Ấn Độ. Gần đây, chỉ có gạo cao cấp của Việt Nam là quay lại thị trường này, còn gạo cấp thấp có số lượng bán không đáng kể. Bên cạnh đó, nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc cũng đã ký kết hợp đồng mua gạo của Việt Nam nhưng cũng là gạo chất lượng cao. Điều này cho thấy không những nhu cầu tiêu dùng gạo cao cấp ở các nước tăng lên, mà còn do nhà nhập khẩu không hài lòng mua gạo của Ấn Độ hay Pakistan, bởi việc giao hàng chậm trễ, nên phải quay lại mua gạo Việt Nam. 

Phát huy liên kết 4 nhà

Trước việc VFA khuyến cáo nông dân tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, ngành nông nghiệp địa phương yêu cầu VFA nên xác định số lượng các loại gạo chất lượng cao, gồm: gạo 5% tấm, gạo thơm, gạo nếp, và gạo cấp thấp sẽ XK trong năm 2013 là bao nhiêu, để từ đó ngành nông nghiệp địa phương có kế hoạch sản xuất cho phù hợp. 

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch VFA, ngành nông nghiệp cần tiếp tục khuyến cáo nông dân không nên trồng nhiều lúa chất lượng thấp, vì thị trường gạo XK đang có nhu cầu về gạo chất lượng cao. Còn xác định số lượng từng loại gạo sẽ XK trong năm 2013 thì rất khó, VFA không thể xác định được, bởi chủng loại và sản lượng gạo XK từng năm tuỳ thuộc vào nhu cầu của thị trường, nhưng xu hướng tiêu dùng trên thế giới hiện nay là nhập khẩu gạo cao cấp ngày càng tăng. 

Theo ý kiến của các nhà khoa học, về tỷ lệ cơ cấu giống lúa chất lượng thấp cho từng vụ, ngành nông nghiệp chỉ đạo nên dừng ở mức 15% với vụ Hè Thu và Thu Đông, 20% ở vụ Đông Xuân là phù hợp nhất, nhưng nếu các DN XK trúng thầu loại gạo 15% tấm hay 25% tấm và lại đổ xô đi mua gạo chất lượng thấp thì chắc chắn vụ lúa sau, diện tích trồng lúa chất lượng thấp sẽ bùng phát mạnh. Khi đó, nông dân sẽ cho rằng ngành nông nghiệp khuyến cáo không đúng, về sau nói nông dân sẽ không nghe. 

Do vậy, mối liên kết 4 nhà cần phát huy, DN đặt hàng với người nông dân về giống, diện tích, sản lượng và bao tiêu hết lúa thì người nông dân sẽ trồng theo. Còn hiện nay, tất cả chỉ là khuyến cáo, mà khuyến cáo đôi khi lại không như diễn biến thị trường và cơ cấu giống lúa là truyện nhiều tập không có hồi kết!

Theo ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), VFA đã có ý kiến về cơ cấu giống trong sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long là cần tập trung vào sản xuất các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao. Trong vụ Đông Xuân, các giống lúa chất lượng thấp thì bà con có thể trồng, nhưng nên trồng với số lượng ít, mỗi địa phương chỉ khoảng 15 - 20% trở lại, không nên vượt quá con số này, và không quá 15% trong các vụ Hè Thu và Thu Đông. Nếu giữ được tỷ lệ này thì nông dân sẽ giảm được chi phí phòng ngừa dịch bệnh, mà còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường XK gạo thế giới.

Nguồn:Tin tham khảo