menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu gạo chịu nhiều áp lực

14:40 22/04/2014
Giá và lượng gạo XK thời gian qua vẫn tiếp tục sụt giảm khiến cho các DN lo lắng về mục tiêu đề ra. Trước áp lực cạnh tranh của nhiều đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, XK gạo vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Giá và lượng gạo XK thời gian qua vẫn tiếp tục sụt giảm khiến cho các DN lo lắng về mục tiêu đề ra. Trước áp lực cạnh tranh của nhiều đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, XK gạo vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Lượng, giá giảm

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kim ngạch XK gạo trong tháng 3 đạt gần 585.000 tấn, trị giá FOB đạt 256,184 triệu USD, tăng 77,7% về lượng và 75,42% về giá trị so với tháng 2. Tính chung quý I, lượng gạo XK đạt hơn 1,2 triệu tấn, với trị giá 529,77 triệu USD, giảm 15,41% về lượng và 9% về giá trị.

Lý giải về nguyên nhân khiến XK gạo sụt giảm mạnh trong quý I-2014, ông Huỳnh Minh Huệ, Phó Chủ tịch VFA cho biết, gạo Việt Nam thời gian qua phải cạnh tranh gay gắt với gạo của Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ, nhất là chính sách đẩy mạnh XK gạo của Thái Lan đã kéo mặt bằng giá đi xuống. Bên cạnh đó, nhu cầu NK tại các thị trường chủ lực của Việt Nam cũng đang suy giảm: Gạo XK sang Trung Quốc giảm trên 20% so với cùng kỳ, thị trường châu Mỹ và Cuba giảm hơn 51%, châu Phi giảm gần 63% cũng là nguyên nhân làm cho XK gạo giảm mạnh. Ông Huệ nhận định: “Với mức sụt giảm này sẽ ảnh hưởng lớn đến muc tiêu XK cả năm”.

Cũng theo ông Huệ, chính sách thu mua, tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ đã được triển khai với lượng thu mua tính đến đầu tháng 4 đã đạt đến 50% kế hoạch.

Nhờ tác động của chương trình tạm trữ, giá lúa nguyên liệu đã tăng bình quân 300 đồng/kg, với giá lúa khô mua tại ruộng thấp nhất đạt 4.750 đồng/kg (loại hạt dài) và 4.450 đồng/kg (loại thường). Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, chủ trương triển khai thu mua tạm trữ dù có giúp giá lúa tăng lên khoảng từ 200 - 300 đồng/kg nhưng đây chỉ là mức tăng hơn so với thời điểm giá lúa sụt giảm sâu nhất, chứ không phải tăng so với thời điểm trước đây. Hơn nữa, lượng thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cũng chưa “thấm” vào đâu so với lượng lúa gạo cần tiêu thụ tại Đồng bằng sông Cửu Long là 4,5 triệu tấn. Ví dụ như tỉnh Kiên Giang, lượng lúa gạo cần tiêu thụ là 1,2 triệu tấn nhưng chỉ tiêu thu mua chỉ được 86.000 tấn.

Tìm thị trường

Về tình hình XK gạo trong thời gian tới, ông Huỳnh Minh Huệ cho hay, theo quy luật, XK gạo sẽ tăng trưởng trở lại kể từ quý II trở đi. Thông thường mỗi năm, vào quý II, lượng gạo XK sẽ đạt khoảng 2-2,4 triệu tấn, đưa XK gạo nửa năm đạt khoảng 3,5 triệu tấn. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó thực hiện. Theo phân tích của VFA, ngoài 30% lượng gạo XK đến từ các hợp đồng tập trung của Philippines được ký từ năm trước, XK gạo bị lệ thuộc rất nhiều Trung Quốc, chiếm đến 40% thị phần, trong khi đây là thị trường luôn chứa đựng nhiều rủi ro, đặc biệt khi có biến động về tỷ giá, XK gạo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thêm vào đó, chính sách “siết” tải trọng xe của Bộ Giao thông vận tải từ đầu tháng 4 cũng khiến cho hoạt động XK gạo gặp khó khăn. Theo đó, gạo được vận chuyển từ miền Nam ra Cảng Hải Phòng rồi chuyển lên phía Bắc để XK sang Trung Quốc, nhưng các xe chở hiện nay đều không đủ tiêu chuẩn nên việc XK cũng bị ngưng lại kéo theo tình trạng lúa gạo tồn kho tại cảng. Mặt khác, các thị trường phi truyền thống ở Đông Nam Á cũng chưa ký được hợp đồng nào, trong khi gạo Việt Nam lại chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan khiến cho thị trường châu Phi - đối tác NK gạo lớn thứ hai của Việt Nam đã chuyển sang mua hàng của nước này.

Khó khăn là vậy nhưng theo thông tin mới nhất của VFA, Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines với mức giá từ 436 đến 441,25 USD/tấn. Việc trúng thầu này rất quan trọng cho thị trường XK gạo và cũng là tín hiệu tác động tích cực đến thị trường lúa gạo trong nước vốn đang ảm đạm trong vài tháng qua. Điều quan trọng là tình hình tiêu thụ lúa trong nông dân sẽ lạc quan hơn trong thời gian tới.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cũng đang tìm giải pháp mở rộng thị trường cho XK gạo. Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã ký 7 bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với các nước Indonesia, Ghine, Haiti, Bangladesh, Comoros, Đông Timo, Philippines với lượng gạo ký kết đạt khoảng 4,2 triệu tấn. Hiện Bộ đang xúc tiến đàm phán với Malaysia, mở rộng thêm hợp đồng với thị trường Trung Quốc, triển khai giao dịch các hợp đồng tập trung với thị trường Cuba và Iraq. Riêng với thị trường Trung Quốc - thị trường XK gạo chủ lực của Việt Nam, hai bên cũng dự kiến sẽ ký một thỏa thuận chung về XK gạo vì đây là một trong những mặt hàng giao thương lớn của hai bên.

Nguồn: Nông nghiệp VN

Nguồn:Báo nông nghiệp Việt nam