Dù kim ngạch XK đạt khá cao nhưng theo dự báo, XK gạo trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường sụt giảm, gạo Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các thị trường, nhất là Ấn Độ và Pakistan.
Lượng tăng nhưng giá giảm
XK gạo tính đến thời điểm này đã gần bằng cả năm 2011. Theo đó, XK gạo 11 tháng năm 2012 đạt 7,1 triệu tấn, tương đương 3,2 tỷ USD, giá XK bình quân 445,56 USD/tấn, trong khi con số này của cả năm 2011 là 7,128 triệu tấn. XK gạo Việt Nam cũng đã có chiều hướng thay đổi, chủ yếu XK gạo cao cấp (gạo thơm, gạo nếp, gạo tấm).
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, so với cùng kỳ, lượng gạo XK tăng 6% nhưng giá lại giảm 4%, hợp đồng tập trung chỉ chiếm 21% còn lại 79% là các hợp đồng thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh của DN thấp, dù bà con nông dân làm nhiều hơn nhưng hưởng lại ít hơn và lượng ngoại tệ mang về cho đất nước cũng giảm theo.
Lý giải về những khó khăn trong thời gian qua, ông Bảy cho biết, nguyên nhân là do sự suy giảm của thị trường thế giới, đồng thời gạo Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với gạo của nhiều thị trường khác. Đặc biệt, Việt Nam thiếu hợp đồng tập trung lớn giá cao mà chủ yếu XK bằng các hợp đồng gạo thương mại giá thấp dễ có rủi ro. Bên cạnh đó, lãi suất cao, thời gian cho vay ngắn cũng gây khó khăn cho các DN khi quay vòng vốn.
Ông Bảy tỏ ra lo ngại, diễn biến thị trường gạo đang lặp kịch bản như cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Đó là, DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi nguồn cung dồi dào từ thị trường Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, nhu cầu thế giới sụt giảm, trong khi nhu cầu giải quyết hàng tồn kho của các nước tăng mạnh. Thậm chí, tình hình XK còn khó khăn hơn khi Malaysia, châu Phi vẫn còn đủ gạo cho đến hết quý I-2013.
Thêm vào đó, cả trước mắt và lâu dài, Myanmar sẽ là đối thủ cạnh tranh chủ yếu với hạt gạo Việt Nam, đặc biệt với loại gạo phẩm cấp thấp khi giá bán của nước này rất thấp. “Sang quý I-2013, XK gạo gặp khó khăn do hợp đồng sụt giảm. Cùng thời điểm này, hợp đồng năm 2011 chuyển sang 2012 là 800.000 tấn nhưng năm nay tình hình lại khác, diễn biến rất xấu”, ông Bảy nói.
Với những diễn biến như hiện nay, VFA cho rằng, cần phải có những tính toán, giải pháp để khắc phục, để XK năm tới mới có thể đạt mức 7,5 triệu tấn. Trước mắt, cần tăng cường xúc tiến thương mại với các quốc gia có nhu cầu NK gạo, nhất là những nước châu Phi có nhu cầu NK thường xuyên để ký hợp đồng thương mại cấp Chính phủ.
Bộ NN&PTNT cần định hướng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm, hạn chế lúa cấp thấp mà chúng ta đang bị cạnh tranh gay gắt. Bộ Công Thương xem xét các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cho VFA, tạo điều kiện để đẩy mạnh công tác xúc tiến cho DN phát triển các thị trường trọng điểm cho năm 2013.
Ngoài ra, Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh XK gạo đã có hiệu lực nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Ông Bảy kiến nghị, Bộ Công Thương cần có những thay đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 109. Ví dụ, Nghị định 109 chưa quy định thương nhân được cấp giấy chứng nhận có lượng gạo XK tối đa trong năm, nếu không đạt chỉ tiêu thì sẽ bị rút giấy phép để thay thế bằng những DN đủ điều kiện, năng lực tiếp cận thị trường.
Chia sẻ với DN về điều kiện này, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có công văn chỉ đạo giới hạn 100 đầu mối, Bộ Công Thương điều hành để không vượt quá 100 đầu mối XK gạo, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng theo hướng không khống chế đầu mối mà khống chế về thành tích, XK 6.000 tấn/năm. Tuy nhiên, khi trình, Thủ tướng Chính phủ không có ý kiến chỉ đạo việc này. Hiện Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao xây dựng quy hoạch thương nhân XK gạo để tháo nút thắt 100 đầu mối theo hướng đưa thành tích XK vào bản quy hoạch.
Nhận định thị trường năm tới còn khó khăn, phải cạnh tranh gay gắt nhưng nếu có cách điều hành linh hoạt về giá cũng như chủ trương tạm trữ gạo kịp thời sẽ là cơ hội để giảm bớt khó khăn cho các DN kinh doanh, XK gạo.
(HQ)
Nguồn:Hải quan Việt Nam