menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu năm 2012 phá kỷ lục

15:05 02/01/2013
Hoạt động XNK năm 2012 đã có những mảng màu tươi sáng, ghi dấu bằng những con số kỷ lục. Có được thành quả này là nhờ sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN cùng nhiều chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ, trong đó có các bộ, ngành và địa phương.

Hoạt động XNK năm 2012 đã có những mảng màu tươi sáng, ghi dấu bằng những con số kỷ lục. Có được thành quả này là nhờ sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng DN cùng nhiều chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ, trong đó có các bộ, ngành và địa phương.

Năm 2012, giá trị XK các mặt hàng nông sản chủ lực như điều, cà phê… cao hơn so với năm 2011 nhờ vào khối lượng tăng. Cụ thể, gạo XK đạt trên 8 triệu tấn, tăng 300.000 tấn, giá trị thu về đạt 3,7 tỷ USD; XK thủy sản đạt 6,2 tỷ USD, tăng gần 1% so với năm 2011; XK cà phê đạt 1,5 triệu tấn, tương đương 3,3 tỷ USD…114,6 tỷ USD…

Với diễn biến không mấy thuận lợi của những tháng cuối năm 2011, các bộ, ngành và cộng đồng DN đều có chung nhận định rằng, kinh tế 2012 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động XK cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu XK năm 2012 là 106-107 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2011 để cho các bộ, ngành phấn đấu hoàn thành kế hoạch.

Đúng như dự báo, ngay từ tháng đầu năm, hoạt động XK đã vấp phải vô vàn khó khăn khi kim ngạch XK chỉ đạt 6,5 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước và mức NK hàng hóa cũng giảm đáng kể. Theo lý giải của Bộ Công Thương, hoạt động XK giảm mạnh trong tháng không phải là bất ngờ lớn do có yếu tố thời vụ khi thời gian nghỉ Tết kéo dài hơn so với mọi năm. Nhưng trên thực tế, sự sụt giảm đáng kể của hoạt động XK không hoàn toàn bởi lý do trên, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự biến động kinh tế của các thị trường, xu hướng người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Những khó khăn này đã kéo dài sang những tháng tiếp theo, khi kim ngạch XK dù có tăng nhưng chỉ ở mức tương đối thấp. Đặc biệt, theo thông lệ, các DN phải NK hàng hóa từ đầu năm nhưng cho đến hết quý I-2012, NK các mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày, linh kiện phụ tùng ô tô… để phục vụ sản xuất lại giảm. Điều này cho thấy, nền kinh tế nói chung, các DN nói riêng đã gặp nhiều khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Do khủng hoảng kinh tế, các thị trường chủ lực của Việt Nam liên tiếp cắt giảm nhu cầu làm cho đơn hàng của DN sụt giảm nghiêm trọng, nhất là những thị trường chính như EU, Mỹ, Nhật Bản. Mặt khác, các nước liên tiếp đưa ra những hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. Ví dụ như, các DN thủy sản liên tục đối diện với các rào cản thương mại, nhất là rào cản Ethoxyquin của Nhật Bản; XK gạo luôn phải cạnh tranh gay gắt với các thị trường Ấn Độ, Bangladesh... Trước những khó khăn này, các DN phải “gồng mình” để chống đỡ, tự “kê đơn”, “bốc thuốc” tìm cách giải thoát cho chính mình. Đơn cử như các DN ngành dệt may không ngồi chờ các nhà thương mại, nhà NK truyền thống mà đã chủ động trực tiếp tìm gặp những khách hàng mới, cơ cấu lại thị trường XK, trong đó quan tâm nhiều hơn tới các khách hàng Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc..., đồng thời tăng cường XK sản phẩm sợi sang thị trường Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, châu Phi. Nhờ đó, nhiều mặt hàng chủ lực đã cán đích ngoạn mục, kim ngạch XK cao hơn so với dự báo từ đầu năm như: Dệt may vẫn giữ ngôi vị quán quân, đạt trên 15 tỷ USD; da giày đạt 8,5 tỷ USD; thủy sản đạt 6,2 tỷ USD...

Với những cố gắng của từng ngành, bức tranh XK của Việt Nam đã có những gam màu sáng. Đó là kim ngạch XK cả nước lập đỉnh 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, tăng 4,6% so với kế hoạch đề ra. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, thể hiện nỗ lực của cả cộng đồng DN, trong đó có sự đóng góp của khối DN FDI. So với các DN trong nước, các DN FDI ít phải đối mặt với những khó khăn về chi phí sản xuất, vốn, lãi suất... và chủ động hơn về thị trường đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, kim ngạch XK của khối DN FDI vẫn tăng trưởng tốt, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kim ngạch của cả nước.

Thị trường Nhật Bản dẫn đầu về đà tăng trưởng XK với 23%, tiếp đó là Mỹ, EU, thị trường khu vực ASEAN và thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam NK lớn nhất từ thị trường Trung Quốc, tiếp theo là ASEAN, Hàn Quốc, Nhật, EU, Mỹ...

…và xuất siêu

Nếu XK là điểm sáng trong bức tranh XNK thì cán cân thương mại năm 2012 cũng là điểm rất đáng được chú ý. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, NK cả năm ước khoảng 114,3 tỷ USD, kim ngạch NK tiếp tục tăng trưởng ở mức thấp (tăng 7,1% so với năm 2011). Như vậy, năm 2012 Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD và là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993.

Nói về nguyên nhân giúp Việt Nam xuất siêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, nhóm hàng hạn chế NK và nhóm hàng cần kiểm soát có kim ngạch giảm mạnh, góp phần làm giảm 2,5 tỷ USD tổng kim ngạch NK của cả nước. Mặt khác, nhóm hàng cần thiết NK, gồm nguyên nhiên phụ liệu và máy móc thiết bị có mức tăng trưởng tương đối thấp, khoảng 10%. Thực tế đã cho thấy, XK một số mặt hàng có xu hướng tăng chậm lại do khó khăn về thị trường XK khiến NK nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng XK tăng trưởng thấp (nguyên phụ liệu dệt may, vải...).  Bên cạnh đó, sản xuất khó khăn, tồn kho lớn, các dự án đầu tư giãn tiến độ đặc biệt là trong những tháng đầu năm khiến NK một số mặt hàng giảm đáng kể về lượng (như xăng dầu, sắt thép các loại...).

Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện chung có thể thấy rằng, dù liên tiếp xuất siêu trong nhiều tháng nhưng tỷ lệ xuất siêu chủ yếu rơi vào các DN FDI. Điểm danh những mặt hàng có kim ngạch XK có mức tăng trưởng cao, gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; các loại máy ảnh, máy quay phim và linh kiện khác… đều do các DN FDI sản xuất. Ngoài ra, DN FDI luôn duy trì nhịp độ tăng trưởng trong XK, với mức tăng 31,8% so với cùng kỳ, còn DN nội chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Công Thương) tỏ ra lo ngại, các DN FDI chủ yếu hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, là những ngành có khối lượng XK lớn, giá trị XK lớn. Trong khi đó, khó khăn mà DN trong nước gặp phải là những mặt hàng XK lớn thường rơi vào những mặt hàng nông, lâm, thuỷ hải sản – là những mặt hàng gần như chỉ XK thô, khối lượng XK lớn nhưng trị giá nhỏ. Ví dụ như gạo, vươn lên vị trí số 1 XK lượng tăng 3% nhưng giá giảm hơn 5%. Đóng góp của khối DN trong nước rất nhỏ bé. Điều đó cho thấy, DN nội vẫn còn yếu kém cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng cũng như trình độ công nghệ trong các ngành chế tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Dù kim ngạch XK đạt mức cao, và Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu nhưng đây có thể lại là khó khăn nhãn tiền cho các DN, nhất là DN XNK trong năm tới. Khi thị trường khó khăn, giá XK không còn là lợi thế, các mặt hàng xuất siêu chủ yếu rơi vào khu vực DN FDI, trong thời gian tới, rất cần những biện pháp mang tính đột phá của Bộ Công Thương để giúp DN khơi thông, mở rộng thị trường XK, nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng.

 (HQ)

Nguồn:Hải quan Việt Nam