menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu nông lâm sản dồi dào đơn hàng

10:56 12/02/2014
Năm 2013 vừa qua, mặc dù các DN gặp bất lợi về giá XK nhưng trong năm mới 2014, một số thị trường truyền thống sẽ mở ra cơ hội cho mặt hàng này của DN Việt Nam.

Năm 2013 vừa qua, mặc dù các DN gặp bất lợi về giá XK nhưng trong năm mới 2014, một số thị trường truyền thống sẽ mở ra cơ hội cho mặt hàng này của DN Việt Nam. Các nút thắt như tình trạng mất cân đối giữa sản lượng nuôi trồng, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm.

Ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều DN xuất khẩu (XK) hàng nông - thủy sản cho biết, đã có được nhiều đơn hàng dài hạn đi các thị trường lớn. Công ty Thủy sản Sông Tiền (Sotico) trong năm 2013 mặc dù kim ngạch XK sụt giảm chỉ còn khoảng 20 triệu USD, nhưng do các tháng cuối năm có được nhiều hợp đồng giao sau từ các đối tác nhập khẩu (NK) nên tình hình XK các tháng đầu năm mới sẽ có nhiều triển vọng tăng trưởng mạnh.

Hiện Sotico đã có đơn hàng đến tháng 3/2014 với sản lượng tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2013. Trung bình mỗi tháng, công ty đang xuất đi vài chục container hàng sang các thị trường chủ lực tại châu Âu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến XK thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết thêm, trong các tháng đầu năm 2014, tình hình XK tôm sẽ thuận lợi vì mới đây thị trường lớn là Nhật Bản đã chính thức thông báo nâng mức dư lượng Ethoxyquin trong tôm Việt Nam NK vào Nhật Bản lên 0,2 ppm (tăng 20 lần so với mức 0,01 ppm trước đây).

Hầu hết các DN XK tôm lớn đều bán vào thị trường Mỹ và Nhật Bản, cho nên việc Nhật Bản giảm nhẹ rào cản Ethoxyquin sẽ tạo ra cơ hội lớn để các DN đẩy mạnh XK ngay từ đầu năm.

Đối với cá tra, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Vasep cho rằng, năm 2013 vừa qua, mặc dù các DN gặp bất lợi về giá XK nhưng trong năm mới 2014, một số thị trường truyền thống sẽ mở ra cơ hội cho mặt hàng này của DN Việt Nam. Chẳng hạn mới đây, Ukraina đã cho phép 10 DN chế biến thủy sản của Việt Nam được XK cá tra vào thị trường này.

Đồng thời trong năm 2014, các nút thắt như tình trạng mất cân đối giữa sản lượng nuôi trồng, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, lãi suất cao… sẽ được tháo gỡ. Nhiều nhà đầu tư trong những năm qua không còn tìm thấy sự hấp dẫn của ngành này nên đã rút lui, chỉ còn lại những DN thật sự ổn định, có vốn, thị trường, kỹ thuật nuôi.

Đây là những thành phần chủ lực sẽ góp phần đưa ngành cá tra phát triển. Vasep dự báo, nếu mọi việc thuận lợi thì năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể đạt 6,9 tỷ USD, trong đó tôm xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, cá tra khoảng 1,6 tỷ USD và hải sản khoảng 2,2 tỷ USD.

Trong khi đó, ở ngành hàng lúa gạo, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, năm 2014 thị trường gạo cấp cao và gạo thơm sẽ được nhiều DN khai thác và mang về kim ngạch lớn từ các thị trường châu Phi và châu Á. Riêng thị trường tập trung, trong tháng 2 và 3/2014, các DN sẽ có 2 hợp đồng lớn phải giao hàng là hợp đồng 500.000 tấn với Philippines (trúng thầu vào tháng 12/2013) và hợp đồng 21.000 tấn với Guinea.

Ngoài ra, Hiệp hội đang tiếp tục đàm phán một số hợp đồng lớn tại khu vực châu Mỹ. Hy vọng quý I/2014 sẽ có thêm một số hợp đồng tập trung để các DN xuất sang các quốc gia ở châu lục này. Ông Bảy cho biết, mặc dù nhận định chung của VFA là năm 2014 xuất khẩu gạo còn tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, các tháng đầu năm nếu các DN đẩy mạnh được những đơn hàng giao nhanh ở Đông Nam Á, cũng như XK biên mậu sang Trung Quốc thì kim ngạch sẽ tăng cao so với cùng kỳ.

Hai mặt hàng nông sản khác được dự báo các tháng đầu năm 2014 sẽ tăng mạnh là hạt điều và rau quả. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho hay, trong năm 2013 nếu tính cả mặt hàng dầu vỏ hạt điều và sản phẩm hạt điều chế biến sâu thì kim ngạch XK ngành này đạt khoảng 1,8 - 1,9 tỷ USD.

Trong các tháng đầu năm 2014, do Trung Quốc và một số thị trường Đông Nam Á “ăn mạnh” các mặt hàng chế biến nên kim ngạch XK điều quý I/2014 có thể sẽ tăng 20% so với cùng kỳ. Kim ngạch XK điều cả năm có thể sẽ tốt hơn năm 2013 với dự kiến khoảng hơn 2 tỷ USD.

Ở nhóm hàng rau quả, ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội trái cây Việt Nam cho biết, trong năm 2014, đầu tư vào chế biến các sản phẩm từ trái cây được nhiều DN chú trọng. Thêm vào đó, các thị trường truyền thống là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng trái cây chế biến của Việt Nam như trái cây sấy khô, nước trái cây cô đặc…

Vì vậy, Hiệp hội nhận định, kim ngạch XK nhóm hàng rau quả năm 2014 có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 30%. Trong các tháng đầu năm, mặc dù chưa có các số liệu cụ thể nhưng theo ông Kỳ, lượng đơn hàng xuất sang Trung Quốc của các DN ngành rau quả là khá lớn và giá XK đang tốt đối với thanh long, bưởi da xanh, xoài cát.

Ông Kỳ khẳng định, nếu duy trì được mức tăng trưởng như hiện nay thì rất có thể trong năm 2014, ngành hàng rau quả sẽ đuổi kịp các mặt hàng nông sản như hồ tiêu, điều về kim ngạch XK. Đến cuối năm 2014, kim ngạch XK ngành hàng này có thể đạt 1,2 - 1,3 tỷ USD, tăng 20% - 30% so với mức 1,037 tỷ USD của năm 2013.

Nguồn: Thời Báo Ngân hàng

Nguồn:Thời báo ngân hàng