menu search
Đóng menu
Đóng

Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Trung Đông

15:35 06/08/2008
Nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với các nước khu vực Trung Đông-châu Phi, Chính phủ đã xác định năm 2008 là năm trọng điểm trong quan hệ hợp tác với các nước Trung Đông; đồng thời Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường hơn nữa hợp tác với các nước châu Phi trên nhiều lĩnh vực. Trong tình hình các thị trường truyền thống như Mỹ, EU đang đưa ra nhiều rào cản và nhu cầu gần như bão hòa thì xuất khẩu cả nước phải tăng cường khai thác thị trường mới như Trung Đông và châu Phi để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng.

Trung Đông là vùng đất giao thoa giữa 3 châu lục Á-Âu-Phi, gồm 15 quốc gia: Arập Xêút, Bahrain, Iran, Iraq, Israel, Jordany, Kuwait, Lebanon, Ôman, Palestine, Qatar, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ (TNK), Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Yêmen; dân số 250 triệu người.

Mặc dù là nơi tiềm ẩn nhiều bất ổn chính trị trong những năm gần đây, kinh tế Trung Đông, nhất là từ năm 2007, đã có sự bùng nổ rõ rệt. Giá dầu lửa tăng cao đã là nhân tố tích cực tác động tới tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực. Tăng trưởng GDP toàn khu vực đạt 5,9%; xuất khẩu đạt 696,3 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2006; nhập khẩu đạt 383,4 tỷ USD, tăng 16,4%. Dự báo trong năm 2008, do giá dầu tăng đã chạm ngưỡng nên tăng trưởng GDP sẽ chỉ giữ ở ứmc 5,9%, với XK tăng 11,3% và NK 13,3%. Các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) bao gồm Arập Xêút, UAE, Kuwait, Ôman, Bahrain, Qatar hiện đang tích cực cơ cấu lại nền kinh tế của mình. Theo đó, xu hướng mở cửa kinh tế của GCC ngày càng được thể hiện rõ nét ở các hoạt động: tăng cường hoạt động ngoại thương, tự do hoá thương mại, tạo ra làn sóng đàm phán về Hiệp định tự do thương mại (FTA) trong nội khối và với các nước khác trên thế giới để đẩy nhanh tiến trình khu vực hoá và toàn cầu hoá về thương mại. GCC cũng đã và đang đàm phán FTA với các quốc gia EU, Autralia, New Zealand, Nhật Bản, Iran... để tạo thuận lợi tự do hoá thương mại. Kể từ tháng 1/2008 các nước GCC đã bắt đầu thực hiện Khu vực thị trường chung trong toàn khối: tự do di chuyển về người và hàng hoá trogn nội GCC. Ngoài ra, GCC cũng lên chương trình từ nay đến năm 2010 biến khối này thành một liên minh tiền tệ cùng sử dụng chung một đồng tiền. Theo dự báo các chuyên gia, trong năm 2008, các nước GCC sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn nhờ các biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng.

Việt Nam có quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia Trung Đông. Nhiều hiệp định, nghị định song phương đã được ký kết với các nước trong khu vực này, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác hai bên. Đó là các Hiệp định thương mại, Hiệp định hợp tác KHKT, Hiệp định vận tải hàng hải....

Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á - Nam Á (Bộ Công thương) cho biết, Trung Đông là thị trường nhập khẩu lớn. Các thị trường xuất khẩu chính của VN tại Trung Đông là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ả Rập Xê-Út, Kuwait... Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch buôn bán giữa VN và UAE, Ả Rập Xê-Út thời gian qua liên tiếp tăng mạnh và VN luôn xuất siêu, với các mặt hàng chủ yếu như dệt may, linh kiện máy tính, điện tử, giày dép, hải sản, hạt tiêu... Năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều VN - Trung Đông đạt 1,19 tỉ USD, trong đó VN xuất khẩu 700 triệu USD, tăng 17,2% so với năm 2006 và nhập khẩu 490 triệu USD. Các thị trường có mức tăng tưởng xuất khẩu mạnh bao gồm: UAE (233 triệu USD), Thổ Nhĩ Kỳ  202 triệu USD, Israel 57 triệu USD và Arập Xêút 51 triệu USD.

Điều đáng lưu ý trong quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Đông năm 2007 là sự chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu. Nếu các năm trước, XK của Việt Nam sang Trung Đông  chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu sang Irắc và UAE, thì năm 2007, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã chuyển sang các thị trường khác như: TNK, Israel và Arập Xêút. Cán cân XNK đã có sự thay đổi lớn: Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Nguyên nhân do giá dầu tăng cao đã thúc đẩy nhu cầu NK của các quốc gia Trung Đông tăng mạnh; song song các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều nỗ lực tìm kiếm và đa dạng hoá bạn hàng cũng như hình thức bán hàng (nhiều hội chợ triển lãm, các hoạt động XTTM...)

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp VN đã xuất khẩu sang Trung Đông đạt kim ngạch xấp xỉ 700 triệu USD, dự kiến đến cuối năm tổng kim ngạch xuất khẩu của VN vào đây có thể đạt đến 1,2 tỉ USD.

Hiện các nước Trung Đông hiện cũng đã biết nhiều đến VN, thời gian gần đây một số nước đã cử phái đoàn đến VN và mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại với VN trên các lĩnh vực, nhất là các mặt hàng xuất khẩu của VN như lương thực, chế biến, trang trí nội thất, nông sản.... Các DN Trung Đông và châu Phi đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đồ gỗ, trang trí nội thất của VN. Vì thế, đây là cơ hội tốt để các DN trong lĩnh vực này mở mang cơ hội làm ăn. Ngoài ra, đây cũng là thị trường tiềm năng của các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm như: dệt may, giày dép, cao su, chè, rau quả, bột gia vị, đồ chơi trẻ em, các sản phẩm sữa... Tuy nhiên, hạn chế của khu vực này là luôn tiềm ẩn những bất ổn, rủi ro về chính trị. Hơn nữa, do thiếu thông tin thị trường, thông tin về đối tác nên đã hạn chế rất lớn việc gia tăng kim ngạch thương mại.

Vụ Thị trường châu Phi – Tây Á – Nam Á cũng lưu ý các DN: Thời gian qua, hàng hóa của VN có mặt tại thị trường này chủ yếu thông qua hình thức xuất khẩu qua trung gian, xuất khẩu trực tiếp và đầu tư. Muốn đạt hiệu quả cao, Chính phủ cần tạo điều kiện, hỗ trợ DN VN đầu tư sang các nước châu Phi để sản xuất hàng hóa tiêu thụ tại chỗ và phục vụ xuất khẩu sang nước thứ ba. Các DN đầu tư vào thị trường này cần tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cơ khí, điện tử viễn thông, công nghiệp xe máy, chế biến nông – lâm – thủy sản...

Năm 2008, quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông sẽ có những bước phát triển vượt bậc hơn so với năm 2007, do Việt Nam và Trung Đông đang đẩy mạnh tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế- thương mại, đầu tư và hợp tác công nghiệp. Để đạt kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Đông năm 2008 là 1,2 tỉ USD, tăng 71% so với năm 2007 (700 triệu USD), hoạt động xúc tiến thương mại phải được tăng cường hơn, các thương vụ VN tại nước ngoài nên tích cực tìm kiếm thông tin hỗ trợ DN, triển khai thành lập các thương vụ mới... Hiện nay, mạng lưới đại diện thương mại của VN tại khu vực này còn quá mỏng. Trong số 54 nước châu Phi, hiện mới chỉ có 5 thương vụ hoạt động tại 5 quốc gia. Vì thế, khả năng hỗ trợ DN của các tổ chức này còn rất yếu.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong thời gian tới VN có thể tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hai nhóm mặt hàng mà các nước Qatar, Oman, Bahrain có nhu cầu rất lớn là vật liệu xây dựng và nông sản thực phẩm, đặc biệt là hàng tươi sống. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài cũng rất lớn nên có nhiều triển vọng cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động VN tại đây.

(Tổng hợp)

Nguồn:Vinanet