menu search
Đóng menu
Đóng

Để hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản

15:06 14/12/2009
TCMN của Việt Nam muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật Bản cần thiết kế chuyên nghiệp hơn, sử dụng thích hợp các chất liệu, vật liệu sản xuất sản phẩm, có kèm theo thông tin hướng dẫn cụ thể về tính năng, công dụng, cách sử dụng sản phẩm, sản phẩm phải hài hòa với nhu cầu sử dụng của người Nhật.

Theo thống kê của Sở Công thương Hà Nội, nếu như năm 2008, giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Hà Nội đạt 107 triệu USD thì đến hết năm 2009, giá trị xuất khẩu giảm 14,8%, còn 91,3 triệu USD.  Vừa qua Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức hội thảo với nội dung Tìm lối thoát trong xuất khẩu hàng TCMN sang Nhật

Hà Nội là nơi hội tụ nhiều làng nghề nhất nước với 1.270 làng có nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống với đủ các ngành nghề như: gốm sứ; vàng, bạc, đồng; lụa tơ tằm; thêu ren; khảm trai; mây tre đan; điêu khắc... Mặc dù Nhật Bản là một thị trường tiềm năng song Hà Nội chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng TCMN sang Nhật. Chương Mỹ là huyện có rất nhiều làng nghề có thế mạnh trong sản xuất hàng mây giang đan nhưng cũng chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng TCMN sang Nhật với số lượng và giá trị rất hạn chế.

Ông Yoshinori Hino - Cố vấn Chương trình Hợp tác quốc tế Nhật Bản cho rằng, người dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản có nhiều sở thích trùng nhau. Các sản phẩm TCMN của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có ưu thế là giá không cao do chi phí thấp, sản phẩm tương đối phong phú. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN của Việt Nam sang Nhật chiếm gần 13% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng TCMN của cả nước. Sản phẩm TCMN của Việt Nam chiếm khoảng 12-29% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng TCMN của Nhật Bản. Mặc dù vậy, so với tiềm năng thì con số trên còn hết sức khiêm tốn. Khó khăn mà các doanh nghiệp của Việt Nam khi tiếp cận thị trường Nhật Bản thường gặp là sự cạnh tranh với hàng cùng loại của Trung Quốc, chữ tín, luật lệ, thủ tục nhập khẩu. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có chiến lược nhằm đáp ứng những yêu cầu này. 

Ông cũng gợi ý các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu tập quán tiêu dùng của người Nhật, nhu cầu thị trường và cách tiếp cận, kinh doanh với thị trường Nhật Bản… Người tiêu dùng Nhật Bản luôn quan tâm đến 3 yếu tố: sản phẩm được làm bằng nguyên liệu gì, nhà sản xuất sử dụng phương pháp gì để tạo ra sản phẩm và sản phẩm thể hiện tính truyền thống như thế nào. Trong đó, yếu tố thứ 3 là quan trọng nhất, được người Nhật đặc biệt quan tâm, bởi họ luôn đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có "hồn", thể hiện tâm tư, tình cảm của người lao động và mang nét độc đáo riêng. Để có thể chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt, hợp sở thích của người Nhật và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hằng ngày.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, người Nhật Bản tiêu dùng sản phẩm theo mùa vụ, chu kỳ sống của sản phẩm rất ngắn, đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh nhạy mới đáp ứng được nhu cầu thị trường. Mặt khác, do chu kỳ sống của sản phẩm ngắn, nên người tiêu dùng đòi hỏi rất khắt khe về thời hạn giao hàng. Các doanh nghiệp nếu ký được hợp đồng cần huy động nhân lực vào sản xuất để không làm lỡ thời gian giao hàng. Các doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN của Việt Nam muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật Bản cần thiết kế chuyên nghiệp hơn, sử dụng thích hợp các chất liệu, vật liệu sản xuất sản phẩm, có kèm theo thông tin hướng dẫn cụ thể về tính năng, công dụng, cách sử dụng sản phẩm, sản phẩm phải hài hòa với nhu cầu sử dụng của người Nhật.

 

Nguồn:Internet