menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp thị trường hàng hóa phiên 7/8: Giá dầu, vàng, cà phê tăng, kim loại công nghiệp giảm

11:00 08/08/2024

Phiên thứ Tư (7/8), giá dầu tăng mạnh, hầu hết các nông sản cũng tăng, song kim loại cơ bản và sắt thép giảm.
 
Năng lượng: Giá dầu đã tăng hơn 2% trong phiên thứ Tư, hồi phục từ mức thấp nhất trong nhiều tháng, sau khi dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến, mặc dù lo ngại nhu cầu dầu của Trung Quốc tiếp tục yếu.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giao sau tăng 1,85 USD, tương đương 2,42%, lên 78,33 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 2,03 USD, tương đương 2,77%, lên 75,23 USD.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này tuần vừa qua giảm tuần thứ sáu liên tiếp, giảm 3,7 triệu thùng xuống 429,3 triệu thùng, nhiều hơn kỳ vọng của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters (là giảm 700.000 thùng).
"Câu chuyện ở đây thực sự là nhu cầu mạnh hơn mọi người nghĩ và nguồn cung nói chung đang thắt chặt ", Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures Group cho biết. "Nguồn cung dầu thô thấp hơn mức trung bình vào thời điểm này trong các năm".
Dữ liệu của ngành từ Viện Dầu khí Mỹ vào thứ Ba đã cho thấy sự gia tăng bất ngờ trong lượng dầu thô và xăng dự trữ.
Hôm thứ Hai, giá dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1 trong khi giá dầu WTI chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2, khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc do lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái sau dữ liệu việc làm thấp.
Cả dầu Brent và dầu WTI đều kết thúc chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp.
Sản lượng tại mỏ dầu Sharara 300.000 thùng/ngày của Libya giảm cũng làm tăng thêm lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại mỏ dầu Sharara của mình từ ngày 7 tháng 8, đồng thời cho biết họ sẽ bắt đầu giảm dần sản lượng tại mỏ do các cuộc biểu tình.
Căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục làm dấy lên lo ngại về nguồn cung. Khu vực này đang chuẩn bị cho một làn sóng tấn công mới có thể xảy ra từ phía Iran và các đồng minh, làm gia tăng lo ngại rằng cuộc xung đột ở Gaza đang biến thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Tuy nhiên, về phía nhu cầu, dữ liệu thương mại của Trung Quốc cho thấy lượng dầu thô nhập khẩu hàng ngày trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2022. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Kim loại quý: Giá vàng tăng khá mạnh vào đầu phiên nhưng hạ nhiệt vào cuối phiên khi USD và lợi suất trái phiếu kho bạc đều tăng, mặc dù thị trường đặt cược vào việc Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9 và căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông – thúc đẩy giá vàng thỏi.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên ở mức 2.388,16 USD/ounce, sau khi tăng 0,7% lúc đầu phiên. Vàng giao sau không đổi ở mức 2.432,40 USD.
Về những kim loại cơ bản khác, giá bạc giao ngay giảm 1,5% xuống 26,64 USD/ounce. Bạch kim tăng 0,6% lên 917,38 USD và palladium tăng 1,1% lên 884,00 USD.
USD tăng 0,2% so với các đối tác chủ chốt, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng, gây áp lực lên vàng thỏi.
"Tôi nghĩ khả năng cao là nếu dữ liệu kinh tế cho thấy nỗi lo suy thoái có căn cứ thì giá vàng có thể đạt mức cao kỷ lục mới trong những tháng tới", Everett Millman, chuyên gia phân tích thị trường chính của Gainesville Coins cho biết.
Theo Công cụ FedWatch của CME, báo cáo việc làm yếu kém tuần trước đã khiến các nhà giao dịch kỳ vọng lãi suất của Mỹ sẽ giảm gần 105 điểm cơ bản vào cuối năm, với khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 9 lên đến 100%.
Vào thứ Ba, thủ lĩnh Hezbollah đã cam kết sẽ có phản ứng "mạnh mẽ và hiệu quả" đối với vụ ám sát chỉ huy quân sự của Israel vào tuần trước, bất kể hậu quả ra sao. Vàng thỏi được coi là hàng rào chống lại những bất ổn về địa chính trị và kinh tế và có xu hướng tăng mạnh trong môi trường lãi suất thấp.
Trong khi đó, dữ liệu chính thức cho thấy ngân hàng trung ương Trung Quốc tháng 7 đã kiềm chế mua vàng tháng thứ 3 liên tiếp.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng tiếp tục xu hướng giảm sau khi dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy nhu cầu yếu và tồn kho tăng vọt chứng tỏ nguồn cung dư thừa.
Đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London giảm 1,8% xuống 8.771 USD/tấn, đảo ngược mức tăng trong phiên trước đó. Giá đồng kỳ hạn trên sàn Comex giảm 1,8% xuống 3,95 USD/lb.
Đồng LME đã giảm 21% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục trên 11.100 USD/tấn vào tháng 5 và chạm mức yếu nhất trong 4,5 tháng vào thứ Hai.
Về những kim loại cơ bản khác, giá niken trên sàn LME giảm 1,1% xuống 16.210 USD/tấn, mặc dù kim loại này có hiệu suất hoạt động tốt nhất sàn LME trong tháng qua; nhôm giảm 0,7% xuống 2.281 USD/tấn, kẽm giảm 0,9% xuống 2.578 USD, trong khi chì tăng 0,5% lên 1.964,50 USD và thiếc tăng 1,1% lên 29.970 USD.
Dữ liệu của LME hôm thứ Tư cho thấy tồn trữ đồng của sàn này đã tăng 17% chỉ trong một ngày lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2019, sau khi tăng gấp hơn 2 lần trong 2 tháng qua.
Dữ liệu từ Trung Quốc làm tăng thêm lo ngại của các nhà đầu tư khi nhập khẩu đồng và các sản phẩm đồng thô giảm 2,9% trong tháng 7 so với một năm trước đó.
Dữ liệu cũng cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 tăng với tốc độ chậm nhất trong ba tháng, không đạt kỳ vọng và làm tăng thêm mối lo ngại về triển vọng của ngành sản xuất rộng lớn của quốc gia này.
Một yếu tố khác gây áp lực lên thị trường là chỉ số USD mạnh lên, khiến các kim loại tính theo USD như đồng trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tương lai giảm phiên thứ hai liên tiếp do nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ yếu và gia tăng lo ngại về tiêu thụ của nước này trong năm nay.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2025 tại Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên giảm 2,41% xuống 749 nhân dân tệ (104,32 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 2/8. Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 1,75% xuống 101,05 USD/tấn, cũng chạm mức thấp nhất kể từ ngày 2/8.
Giá thép hầu hết giảm, Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,96%, thép cuộn cán nóng giảm 0,66%, thanh thép giảm 4,17% và thép không gỉ giảm 0,39%.
"Khó có thể thấy được đà tăng đáng kể trong bối cảnh thị trường thép liên tục suy thoái", các nhà phân tích tại First Futures cho biết trong một lưu ý. Hơn nữa, thị trường ngày càng nghi ngờ về việc liệu xuất khẩu thép của Trung Quốc có duy trì đà tăng mạnh trong nửa cuối năm hay không và điều này đã ảnh hưởng đến nhu cầu mua quặng sắt.
Lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng 5,3% trong tháng 7 so với một tháng trước lên mức cao nhất trong sáu tháng do các công ty khai thác mỏ nhanh chóng đạt được mục tiêu xuất khẩu hàng quý và biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép cải thiện đã thúc đẩy nhu cầu.
các nhà phân tích của ANZ cho biết các nhà giao dịch lo ngại rằng đợt xuất khẩu thép ồ ạt từ Trung Quốc có thể giảm bớt trong những tháng tới, làm gián đoạn nhu cầu mạnh mẽ đối với quặng sắt - nguyên liệu thô chính trong sản xuất thép.
Ngoài ra, thị trường thép nội địa của Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi áp lực do làn sóng bán tháo vào tháng trước sau khi có yêu cầu chuyển sang các tiêu bắt buộc mới.
Nông sản: Giá ngô và đậu tương Mỹ giảm trở lại do dự đoán vụ mùa của Mỹ bội thu nhờ thời tiết ôn hòa ở vành đai ngô Trung Tây nước này trong khi nhu cầu hạt có dầu thấp.
Những lo ngại kéo dài về nền kinh tế toàn cầu và tốc độ nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc cũng gây áp lực lên thị trường.
Kết thúc phiên, trên sàn Chicago, giá ngô giảm 4-1/2 cent xuống 4,00-3/4 USD/bushel, trong khi đậu tương giảm 8 cent xuống 10,18-3/4 USD/bushel. Giữa phiên, giá đậu tương có lúc giảm xuống mức thấp mới.
Giá lúa mì giảm do nhu cầu xuất khẩu của Mỹ có dấu hiệu giảm bớt, mặc dù sự không chắc chắn về quy mô và chất lượng của vụ mùa hiện tại trên toàn cầu đã giúp giữ giá trên mức sàn. Lúa mì kết thúc phiên giảm 5 cent xuống 5,38-1/4 USD/bushel.
Giá đường phiên này tăng. Đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,27 cent, tương đương 1,5%, lên 18,14 cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 1,4% lên 514,50 USD/tấn.
Mưa ở châu Á có lợi cho mùa màng nhưng tiếp tục hạn chế đà tăng giá, mặc dù thị trường vẫn còn lo ngại về tình hình thời tiết ở Brazil, nơi cây trồng đang phải đối mặt với thời tiết khô hạn khắc nghiệt.
Giá cà phê arabica đạt mức cao nhất 3 tuần do lo ngại về sản lượng của Brazil. Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 10,35 cent, tương đương 4,4%, lên 2,463 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất ba tuần là 2,48 USD; cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 2,2% lên 4.481 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thời tiết khô, nóng ở Brazil trong những tuần gần đây, đã làm giảm chất lượng vụ thu hoạch hiện tại và làm dấy lên lo ngại về sản lượng vụ tiếp theo. Tuy nhiên, xuất khẩu của Brazil vẫn cao. Cơ quan dự báo thời tiết nhà nước CPTEC của Brazil đã đưa ra cảnh báo về khả năng sương giá vào cuối tuần, nhưng dự kiến sẽ không ảnh hưởng đến các vùng trồng cà phê chính.
Xuất khẩu cà phê nhân của Brazil đã tăng lên 202.266 tấn trong tháng 7 so với 140.454 tấn một năm trước, dữ liệu của chính phủ cho thấy.
Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong gần hai tuần, được thúc đẩy bởi áp lực cung tại Thái Lan và đồng yên yếu hơn.
Hợp đồng cao su giao tháng 1/2025 tại Sàn giao dịch Osaka (OSE) kết thúc phiên tăng 6,3 yên, hay 1,98%, lên 319,9 yên (2,19 USD)/kg; trong phiên có lúc giá đạt 321,5 yên, mức cao nhất kể từ ngày 25/7. Cao su tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 135 nhân dân tệ, hay 0,87%, lên 15.700 nhân dân tệ (2.187,06 đô la)/tấn. Cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch SICOM của Singapore chốt phiên ở mức 168,5 US cent/kg, tăng 0,7%.
Trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất chính không đạt kỳ vọng, triển vọng nhu cầu đang vượt xa kỳ vọng trước đó, thúc đẩy xu hướng tăng trên thị trường cao su thiên nhiên trên khắp châu Á, Jom Jacob, nhà phân tích trưởng tại công ty phân tích What Next Rubber của Ấn Độ cho biết.
Cơ quan khí tượng Thái Lan báo cáo lượng mưa dồi dào trên khắp Thái Lan từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 4 tháng 8, với lượng mưa lớn đến rất lớn và lũ lụt ở một số khu vực.
Nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh ở mức 7,2% vào tháng 7, đảo ngược mức giảm của tháng 6 và đánh dấu mức cao nhất trong ba tháng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết các nhà máy của Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong những tháng tới, vì xuất khẩu của nước này tăng với tốc độ chậm nhất trong ba tháng, không đạt kỳ vọng và làm gia tăng lo ngại về lĩnh vực sản xuất rộng lớn của nước này.
Giá hàng hóa thế giới:

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

75,53

+0,30

+0,40%

Dầu Brent

USD/thùng

78,52

+0,19

+0,24%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

236,64

+0,91

+0,39%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,10

-0,02

-0,80%

Dầu đốt

US cent/gallon

235,58

+0,02

+0,01%

Vàng (Comex)

USD/ounce

2.426,60

-5,80

-0,24%

Vàng giao ngay

USD/ounce

2.388,48

+5,56

+0,23%

Bạc (Comex)

USD/ounce

26,85

-0,10

-0,37%

Bạch kim giao ngay

USD/ounce

919,96

+2,20

+0,24%

Đồng (Comex)

US cent/lb

395,35

+0,15

+0,04%

Đồng (LME)

USD/tấn

8.769,50

-159,00

-1,78%

Nhôm (LME)

USD/tấn

2.288,00

-8,00

-0,35%

Kẽm (LME)

USD/tấn

2.581,50

-19,50

-0,75%

Thiếc (LME)

USD/tấn

29.991,00

+340,00

+1,15%

Ngô (CBOT)

US cent/bushel

402,25

+1,50

+0,37%

Lúa mì (CBOT)

US cent/bushel

542,50

+4,25

+0,79%

Lúa mạch (CBOT)

US cent/bushel

317,25

+2,25

+0,71%

Gạo thô (CBOT)

USD/cwt

15,11

-0,04

-0,30%

Đậu tương (CBOT)

US cent/bushel

1.025,50

+6,75

+0,66%

Khô đậu tương (CBOT)

USD/tấn

321,30

+3,00

+0,94%

Dầu đậu tương (CBOT)

US cent/lb

40,80

-0,08

-0,20%

Hạt cải (ICE)

CAD/tấn

598,00

+3,40

+0,57%

Cacao (ICE)

USD/tấn

7.018,00

+248,00

+3,66%

Cà phê (ICE)

US cent/lb

246,30

+10,35

+4,39%

Đường thô (ICE)

US cent/lb

18,14

+0,27

+1,51%

Nước cam cô đặc đông lạnh (ICE)

US cent/lb

442,40

+11,75

+2,73%

Bông (ICE)

US cent/lb

67,36

-0,37

-0,55%

Lông cừu (ASX)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ (CME)

USD/1000 board feet

--

--

--

Cao su Singapore

US cent/kg

172,50

+1,40

+0,82%

Ethanol (CME)

USD/gallon

2,16

0,00

0,00%

 

 

 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)