menu search
Đóng menu
Đóng

GSP cơ hội mới, thách thức mới cho ngành da giày

10:49 03/03/2014
Bắt đầu từ năm 2014, các mặt hàng giày dép của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU không thuộc danh mục sản phẩm nhạy cảm sẽ được hưởng thuế suất 0%, những mặt hàng thuộc danh mục sản phẩm nhạy cảm sẽ được giảm thêm 3,5% trên mức thuế cũ.

Bắt đầu từ năm 2014, các mặt hàng giày dép của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU không thuộc danh mục sản phẩm nhạy cảm sẽ được hưởng thuế suất 0%, những mặt hàng thuộc danh mục sản phẩm nhạy cảm sẽ được giảm thêm 3,5% trên mức thuế cũ. Đây là “cơ hội vàng” nhưng được đánh giá là không dễ tận dụng của ngành da giày Việt Nam.

EU hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày Việt Nam và chỉ xếp sau thị trường Bắc Mỹ. Năm 2013, ngành da giày Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU 3,41 tỷ USD giá trị, riêng mặt hàng giày dép đạt 2,88 tỷ USD, chiếm 8,5% thị phần.

Đáng lưu ý, ngay sau khi GSP chính thức có hiệu lực kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép của Việt Nam tháng 1/2014 vào một số thị trường thành viên trong khối EU đã tăng mạnh so với cùng kỳ, như: thị trường Ba Lan tăng tới 173,53%, Tây Ban Nha tăng 29,35%, Sec tăng 14,13%, Italia tăng  9,54%...

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam - cho rằng: Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng giày dép của Việt Nam sang thị trường EU trong những năm tới khá rộng mở. Bởi với một số mặt hàng không thuộc danh mục sản phẩm nhạy cảm sẽ được hưởng thuế suất 0%, những mặt hàng thuộc danh mục sản phẩm nhạy cảm sẽ được giảm thêm 3,5% trên mức thuế cũ. Sức cạnh tranh và thị phần của sản phẩm giày dép Việt Nam tại thị trường EU sẽ tăng đáng kể.

Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương - cho hay: Theo tiêu chí “trưởng thành” mới của EU mức trần quy định về thị phần của mặt hàng giày dép Việt Nam tại EU được nới rộng ra, doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tăng quy mô xuất khẩu. Nguồn vốn FDI đổ vào ngành da giày cũng sẽ tăng đáng kể.

Thực tế, trước những năm 2009 khi Việt Nam được hưởng GSP của EU, ngành da giày Việt Nam đã có bước tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng với mức tăng bình quân trên 13%/năm, chiếm 13,5% tổng nhập khẩu giày dép của EU. Việt Nam đã giữ vị trí thứ 4 trên thế giới về sản xuất giày dép và là nước lớn thứ 2 về xuất khẩu giày dép vào thị trường EU.

Với những thành quả đã được trong quá khứ, nhiều điều kiện thuận lợi ở thời điểm hiện tại, ngành da giày tạo được niềm tin rằng kỳ tích tăng trưởng sẽ lặp lại. Tuy nhiên, bà Phan Thị Thanh Xuân cũng cảnh báo GSP là cơ hội tốt nhưng không dễ tận dụng và ngành da giày cần “tỉnh táo” trước một số vấn đề khi thực hiện quy chế GSP sửa đổi lần này. Bởi, GSP giúp Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường EU cũng khiến các nhà sản xuất trong nội khối lo mất thị trường, tạo áp lực buộc EU tăng các biện pháp bảo hộ và áp đặt thêm những rào cản kỹ thuật phi thuế quan mới. Hơn nữa, Quy tắc xuất xứ GSP khuyến khích việc nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các nước thuộc EU với giá cao hơn nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc…khiến chi phí sản xuất cao, giảm khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất thấp. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của doanh nghiệp da giày trong nước hiện khoảng trên 50%.

Bên cạnh đó, do được hưởng ưu đãi GSP +, mặt hàng xuất khẩu, trong đó có giày da của Pakistan vào EU sẽ được hưởng thuế suất 0% và không chịu tác động của cơ chế “trưởng thành” - không hạn chế về quy mô xuất khẩu. Điều này chắc chắn cũng sẽ tạo sức ép cạnh tranh lớn cho mặt hàng giày da của Việt Nam vào thị trường EU.

Ông Trần Ngọc Quân chỉ rõ, dù ngưỡng “trưởng thành” cho sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được nới rộng nhưng thực tế xuất khẩu của chúng ta hiện đang ở mức khá cao và dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Trong khi đó, thị phần của Trung Quốc giảm xuống (do không được hưởng GSP) Việt Nam rất dễ vượt ngưỡng trưởng thành và không còn được hưởng GSP.

Các doanh nghiệp ngành da giày được khuyến cáo cần đẩy mạnh tiếp cận, tìm mọi cách để chiếm lĩnh thị trường. Thường xuyên tham vấn với Bộ Công Thương nhằm nắm bắt tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để điều chỉnh chiến lược thị trường cho linh hoạt. Phối hợp với Bộ Công Thương vận động EU tiếp tục trao GSP cho Việt Nam nhằm đảm bảo cơ chế tiếp cận thị trường ổn định.

Để đảm bảo cho sự tăng trưởng xuất khẩu lâu dài cho ngành da giày, Hiệp hội da giày Việt Nam cũng đã kiến nghị với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan sớm hoàn tất EVFTA để thay thế cho GSP, với lộ trình giảm thuế nhập khẩu 0% sẽ đảm bảo sự ổn định cho xuất khẩu giày dép vào EU…/.

Nguồn: Thị trường nước ngoài 

Nguồn:Tin tham khảo