menu search
Đóng menu
Đóng

Liên kết doanh nghiệp để tăng giá trị ngành da giày

07:46 31/12/2014
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến 15/12 các doanh nghiệp ngành da giày đã xuất khẩu đạt giá trị 9,692 tỷ USD và túi xách các loại đạt hơn 2,4 tỷ USD. Như vậy so với kế hoạch xuất khẩu đề ra năm 2014 của toàn ngành là 12 tỷ USD thì kết quả này đã vượt gần 100 triệu USD.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến 15/12 các doanh nghiệp ngành da giày đã xuất khẩu đạt giá trị 9,692 tỷ USD và túi xách các loại đạt hơn 2,4 tỷ USD. Như vậy so với kế hoạch xuất khẩu đề ra năm 2014 của toàn ngành là 12 tỷ USD thì kết quả này đã vượt gần 100 triệu USD.

Ngành da giày ở Việt Nam luôn có mức tăng trưởng cao (khoảng 18%/năm), giá trị xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD/năm, nhưng năng lực sản xuất, giá trị doanh nghiệp lại ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do FTA thành công sẽ tạo ra cho ngành da giày cơ hội xuất khẩu rất lớn, song để có thể “chen chân” được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các sản phẩm da giày vấn đề đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách trong nước là hết sức quan trọng.

Giá trị xuất khẩu luôn tăng

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến 15/12 các doanh nghiệp ngành da giày đã xuất khẩu đạt giá trị 9,692 tỷ USD và túi xách các loại đạt hơn 2,4 tỷ USD. Như vậy so với kế hoạch xuất khẩu đề ra năm 2014 của toàn ngành là 12 tỷ USD thì kết quả này đã vượt gần 100 triệu USD. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu giày da và túi xách của Việt Nam trong năm 2014 và hy vọng năm 2015 khi Việt Nam chính thức tham gia các hiệp định thương mại tự do FTA thì cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày còn cao hơn nữa.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Giày da - Túi xách Việt Nam, năm 2014 các doanh nghiệp da giày Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường mới, chủ động hơn trong vấn đề cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất. Thực tế phần lớn các doanh nghiệp trong ngành da giày chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên vấn đề lớn nhất vẫn là vốn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, xử lý môi trường còn yếu và vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tổng Thư ký Hội Da giày Tp. Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề của các doanh nghiệp da giày vừa và nhỏ là cần có một quy hoạch sản xuất nguyên liệu phụ trợ, chứ không phải là ưu đãi thuế bao nhiêu phần trăm. Các doanh nghiệp da giày hội viên của TP. Hồ Chí Minh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên rất cần được nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.

Bên cạnh những khó khăn về vốn, máy móc, nguyên phụ liệu, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da - Túi xách Việt Nam, thì các doanh nghiệp trong ngành năng lực sản xuất còn yếu, chưa chủ động nâng cao giá trị doanh nghiệp, nên tính cạnh tranh không cao. Hàng năm Hiệp hội vẫn thường tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin và kết nối các doanh nghiệp trong ngành lại với nhau, nhằm tạo ra chuỗi sản xuất lớn, nâng cao chất lượng và tiến tới xây dựng thương hiệu da giày của Việt Nam.

Phải tăng cường liên kết

Theo Bộ Công Thương, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh chủ yếu do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp trong nước chủ yếu là gia công. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia sản xuất, đa dạng nguồn cung nguyên liệu nhằm tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại; đồng thời cần có chiến lược nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.

Hiện toàn ngành da giày mới có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp trong nước làm hàng xuất khẩu, còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn FDI. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước làm gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài nên giá trị lợi nhuận thu được chỉ khoảng dưới 25% nhờ vào giá nhân công rẻ.

Nói về cơ hội và thách thức của ngành da giày trong năm 2015, Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết: Việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do FTA thành công sẽ tạo ra cho ngành da giày cơ hội xuất khẩu rất lớn. Bên cạnh đó ta cũng còn khó khăn về vấn đề chủ động nguyên phụ liệu, cũng như nâng cao chất lượng lao động và nâng cao quản trị doanh nghiệp để cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông Dũng vấn đề liên kết trong sản xuất của các doanh nghiệp trong nước là hết sức quan trọng, để có thể “chen chân” được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các sản phẩm da giày.

Mục tiêu của Bộ Công Thương trong những năm tới là dịch chuyển các doanh nghiệp dệt may, da giày về các vùng nông thôn có đông lao động. Đây cũng là một hướng đi có lợi cho các doanh nghiệp ổn định để sản xuất, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất da giày.
Trên thế giới hiện đã hình thành các tập đoàn lớn sản xuất da giày như Nike, Adidas, Puma… với chuỗi sản xuất được hình thành từ các doanh nghiệp chuyên thiết kế tạo mẫu, thuộc da, sản xuất hóa chất, sau đó mới đến các doanh nghiệp làm gia công như ở Việt Nam. Theo các chuyên gia trong ngành da giày, nếu các doanh nghiệp trong nước hợp lực tạo thành một chuỗi sản xuất như thế, thì vấn đề tự chủ nguyên phụ liệu hay tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam sẽ không còn xa vời.

Nguồn: TTXVN

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam