menu search
Đóng menu
Đóng

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp Việt Nam - châu Phi không ngừng phát triển

09:05 27/04/2011
Việt Nam và các nước châu Phi có nhiều mối quan hệ tích cực từ những năm 60 của của thế kỉ trước. Đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế thương mại khoa học kỹ thuật với 17 nước châu Phi, Hiệp định thương mại song phương với 15 nước, trong đó 13 Hiệp định có điều khoản Tối huệ quốc (MFN); thành lập một số Uỷ ban Hỗn hợp/Uỷ ban Hỗn hợp Thương mại để thúc đẩy hợp tác với các nước như: Ai Cập, Tuy-ni-di, Nam Phi để thúc đẩy hợp tác chuyên ngành với các nước này.

Việt Nam và các nước châu Phi có nhiều mối quan hệ tích cực từ những năm 60 của của thế kỉ trước. Đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế thương mại khoa học kỹ thuật với 17 nước châu Phi, Hiệp định thương mại song phương với 15 nước, trong đó 13 Hiệp định có điều khoản Tối huệ quốc (MFN); thành lập một số Uỷ ban Hỗn hợp/Uỷ ban Hỗn hợp Thương mại để thúc đẩy hợp tác với các nước như: Ai Cập, Tuy-ni-di, Nam Phi để thúc đẩy hợp tác chuyên ngành với các nước này.

Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng hoá của Việt Nam đã có thêm 37 thị trường mới được hưởng thuế suất ưu đãi của MFN (có 6 nước châu Phi chưa là thành viên của WTO, trong đó 2 quốc gia đã dành MFN cho ta). Mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước Châu Phi không ngừng được tăng cường mở rộng nhằm hỗ trợ cho các hoạt động trao đổi hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp tại các quốc gia như Ni-giê-ri-a, Ma-rốc, Ai Cập, Li-bi, An-giê-ri, Tan-da-ni-a, Nam Phi, Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích, v.v...; trong đó hiện nay đã có 5 cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập, Ma-rốc, An-giê-ri, Nam Phi và Ni-giê-ri-a. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường châu Phi đã được Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan tích cực triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp xâm nhập thị trường và giao dịch, mở rộng hợp tác kinh doanh với các bạn hàng ở châu Phi.

Một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và châu Phi là việc tổ chức lần đầu tiên “Hội thảo Việt Nam - châu Phi: Cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ 21" tại Hà Nội vào tháng 5-2003. Hội thảo đã đưa ra bốn phương hướng trong quan hệ với các nước châu Phi trong đó ưu tiên thúc đẩy và mở rộng quan hệ kinh tế, hợp tác song phương, đa phương trước hết về các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, lao động, chuyên gia, thông tin..., tăng cường hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế mỗi nước, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Trong năm 2004, lần đầu tiên Chính phủ ta đã xây dựng “Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2004-2010".

Tháng 10-2004, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - châu Phi đã được thành lập. Tháng 9-2005, Cổng thương mại điện tử Việt Nam - châu Phi được khai trương và đi vào hoạt động với hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi tiếp cận, giao dịch có hiệu quả.

Tháng 4-2007, nước ta đã tổ chức Diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - châu Phi - Trung Đông.

Tháng 3-2009, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2008-2010, trong đó chú trọng việc tăng cường, đẩy mạnh trao đổi thương mại và hợp tác công nghiệp giữa Việt Nam với một số thị trường trọng điểm tại châu Phi.

Ngày 17 tháng 8 năm 2010 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế Việt Nam - châu Phi lần thứ hai, Bộ Công thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và các doanh nghiệp liên quan tổ chức thành công phiên chuyên đề “Hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng và đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Phi”.

Nhằm hỗ trợ các công ty Việt Nam thâm nhập thị trường, tháng 10/2010, Bộ Công Thương đã phê duyệt Đề án “Phát huy khả năng của các doanh nghiệp thương mại tổng hợp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi” với nhiều hoạt động XTTM như tổ chức các đoàn ra-vào, hội thảo doanh nghiệp, các hội chợ triển lãm, thông tin tuyên truyền giới thiệu thị trường, cơ hội kinh doanh, cách thức tiếp cận đối tác, cách phòng ngừa rủi ro trong giao dịch, v.v...

Nhờ những hoạt động tích cực kể trên, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Phi đã tăng trưởng nhanh chóng, đạt mức trung bình 31% giai đoạn 2001-2007. Năm 2008-2009, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi vẫn thu được những thành tựu đáng khích lệ. Năm 2008, các doanh nghiệp của ta đã xuất khẩu sang khu vực này 1,33 tỷ USD hàng hoá các loại, tăng 95% so với năm 2007. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2008. Còn trong năm 2010, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 1,8 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2009 và tăng gấp 10 lần so với năm 2001.

Thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại châu Phi không ngừng được mở rộng. Cho tới nay, chúng ta đã có trao đổi thương mại với tất cả 54 nước trong khu vực. Những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất là Nam Phi, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Ni-giê-ri-a, An-giê-ri, Ăng-gô-la, Xê-nê-gan, Gha-na, Tanzania, Mô-dăm-bích, v.v... Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là gạo, sản phẩm dệt may, thuỷ hải sản, cà phê, điện thoại di động, nguyên phụ liệu thuốc lá. Đáng chú ý là trong trao đổi thương mại với các nước châu Phi, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu.

 

Về nhập khẩu

 

Năm 2010 Việt Nam mua từ châu Phi khoảng 767 triệu USD hàng hóa các loại, tăng khoảng 28% so với năm 2009. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp trong nước như hạt điều thô, bông, gỗ, sắt thép phế liệu. Các thị trường nhập khẩu chính là Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Tan-da-ni-a, Ni-giê-ri-a và Gha-na.

Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến hết năm 2010, Việt Nam đã có 13 dự án tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 777,4 triệu USD. Tất cả các dự án này đều liên quan đến lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. Đứng đầu về tiếp nhận FDI từ Việt Nam là An-giê-ri, với 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực dầu khí với tổng số vốn 562 triệu USD; tiếp đến là Madagascar, 1 dự án với số vốn 117,3 triệu USD; Cameroon có 2 dự án, tổng số vốn 42,7 triệu USD; Tuy-ni-di, 1 dự án trị giá 33,2 triệu USD; Công-gô, 1 dự án với tổng vốn đầu tư 15,3 triệu USD; Angola có 6 dự án với tổng số vốn đăng ký 5,3 triệu USD; Nam Phi 1 dự án với tổng vốn đầu tư gần 0,95 triệu USD.

Mới đây, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Vietel cũng đã nhận được giấy phép đầu tư tại Mô-dăm-bích và đang triển khai hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng viễn thông.

Các nước châu Phi đầu tư vào Việt Nam có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ với 13 dự án, tổng số vốn là 11,48 triệu USD. Trong số các nhà đầu tư châu Phi đứng đầu là Cộng hoà Seychelles với 2 dự án, tổng số vốn là 6 triệu USD. Tiếp đến là Ma-rốc có 2 dự án với tổng số vốn đăng ký là 2 triệu USD; Nigeria có 5 dự án nhưng số vốn đăng ký chỉ là 1,2 triệu USD; Guinea Bissau đầu tư 1 dự án với số vốn 1,19 triệu USD; Maurice có 1 dự án với số vốn đăng ký 1 triệu USD; Nam Phi 2 dự án với số vốn 79,7 nghìn USD. FDI của châu Phi vào Việt Nam chủ yếu phân theo 5 lãnh vực chính: đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 5 dự án, tống vốn đầu tư đăng ký là 9,19 triệu USD, chiếm 38,5% số dự án và 80,1% tổng số FDI của châu Phi. Tiếp theo là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 4 dự án, tổng vốn đầu tư là 1,2 triệu USD; lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ có 2 dự án với tổng số vốn là 1,02 triệu USD; Có 2 dự án đầu tư vào 2 lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống và 1 dự án về truyền thông. Các nước châu Phi đầu tư chủ yếu vào những địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, giao thông đi lại thuận lợi gồm các tỉnh Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh và tỉnh Quảng Nam.

Những kết quả trên là sự cố gắng của các cơ quan nhà nước, nhóm doanh nghiệp tiên phong cùng mạng lưới cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở châu lục này.

Mặc dù còn nhiều khó khăn ở lục địa này nhưng những gì mà các đối tác nước ngoài đã làm được ở đây cho thấy châu Phi vẫn là thị trường rất hấp dẫn về dân số, tài nguyên, yêu cầu tiêu dùng hàng hóa chưa khắt khe, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng.

 

Về xuất khẩu:

 

Hiện gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào châu Phi (chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này) và dự báo trong khoảng 5 năm tới thì gạo vẫn sẽ là mặt hàng xuất khẩu số một của ta do nhu cầu của châu Phi về gạo cao trong khi nguồn cung hạn chế. Mỗi năm châu Phi phải nhập khẩu hơn 1 tỷ USD mặt hàng gạo, nhất là các nước khu vực Tây Phi như Nigiêria, Bờ Biển Ngà, Xê-nê-gan, Gha-na, v.v…

Mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ hai của Việt Nam ở châu Phi là dệt may, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào châu lục này. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Nam Phi, Angola, Nigeria, Ethiopia, Benin, Madagascar… và được người tiêu dùng địa phương ưa chuộng.

Đứng thứ ba là mặt hàng thủy hải sản. Hiện nay, cơ cấu hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi ngày càng đa dạng do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, yêu cầu về chất lượng không quá khắt khe. Cá tra đang là mặt hàng thủy sản được xuất khẩu nhiều nhất, đặc biệt là sang Ai Cập, Nigiêria, Angiêri, Tuynidi, v.v...

Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống khác vào châu Phi là giày dép, cà phê, hạt tiêu, cao su, v.v… Những năm gần đây, ta đã xuất khẩu thêm các sản phẩm điện-điện tử, cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và linh kiện, phụ tùng xe máy, thuốc lá điếu, hàng rau quả, bột gia vị, bột ngọt, đồ chơi trẻ em, mỳ ăn liền, sữa và sản phẩm sữa, xe đạp, v.v… Trong thời gian tới, cần tăng cường khai thác các mặt hàng mới mà châu Phi có nhu cầu cao và Việt Nam có thế mạnh như đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, đồ hộp, sản phẩm cơ khí nông nghiệp, sản phẩm nhựa, xe máy, dược phẩm, thuốc chống sốt rét, màn chống muỗi, v.v...

Về đầu tư của Việt Nam vào châu Phi

 

Ngoài việc đẩy mạnh phát triển quan hệ thương mại với châu Phi, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến việc đầu tư sang Châu Phi, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, nhân công giá rẻ và những ưu đãi thuế quan mà châu lục này được hưởng khi xuất khẩu sang EU và Hoa Kỳ. 10 lĩnh vực sau đây có thể tạo bước đột phá để tăng cường và mở rộng hợp tác công nghiệp với châu Phi:

Thứ nhất, thăm dò và khai thác dầu khí luôn khẳng định vị trí số một; bên cạnh 13 dự án đã có với các nước châu Phi, PetroVietnam đang tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động tại châu Phi.

Thứ hai, thăm dò, khai thác các khoáng sản có trữ lượng lớn như bạch kim, crôm, mangan, côban, vàng, kim cương, đồng, sắt, than, thiếc, bauxite, phốt phát, v.v…

Thứ ba, hóa chất và phân bón. Ngoài những dự án đang thăm dò tại Ai Cập, Marốc, Việt Nam có thể mở rộng hợp tác khai khác và sản xuất phốt phát tại Angiêri, hoá chất với Nigêria, Libi, Angiêri, Ai Cập, Nam Phi, Angola, v.v…

Thứ tư, sản phẩm dệt may. Đây là thị trường lớn, nhiều nước châu Phi còn được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi vào Mỹ và EU. Đây là điều kiện tốt để ngành dệt may Việt Nam chuyển dịch sản xuất sang châu Phi để khai thác lợi thế của châu Phi về mặt bằng, nguyên liệu, nhân công rẻ, thị trường tiêu thụ, v.v…

Thứ năm, ngành da giày. Nhiều nước châu Phi có nguồn nguyên liệu da dồi dào trong khi khả năng sản xuất hạn chế. Ngành da giày Việt Nam có thể phát huy những lợi thế về thiết bị, kỹ thuật để thông qua các liên doanh sản xuất xuất khẩu và tiêu thụ tại châu Phi.

Thứ sáu, chế biến gỗ. Việt Nam có thể phát triển liên doanh với các nước Châu Phi để khai thác, sản xuất các sản phẩm gỗ tiêu thụ tại chỗ hoặc xuất khẩu.

Thứ bẩy, ngành vật liệu xây dựng. Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của châu Phi rất lớn, trong khi khả năng sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu. Đây là cơ hội để Việt Nam chuyển dịch sang châu Phi sản xuất xi măng, gạch, gốm sứ xây dựng, trang thiết bị vệ sinh, v.v…

Thứ tám, chế biến nông, hải sản. Hiện nay nông nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của các nước châu Phi, nhưng công nghiệp chế biến nông sản còn rất hạn chế. Nhiều nước châu Phi đang kêu gọi nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực chế biến các loại nông sản như gạo, cà phê, hoa quả, hạt điều, ngô, đậu, sắn, khoai tây, thực phẩm ăn liền, v.v…

Thứ chín, nhóm thiết bị, máy móc nông nghiệp. Nông nghiệp Châu Phi ngày nay vẫn đang trong thời kỳ canh tác lạc hậu. Việt Nam có thể đầu tư liên doanh sản xuất các loại thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp như máy cày, bừa, gặt đập, bơm nước, xe tải nhẹ, v.v…

Thứ mười, sản xuất xe đạp, xe máy. Thị trường xe đạp, xe máy tại nhiều quốc gia châu Phi đến nay hầu như còn “bỏ ngỏ”. Việt Nam đã thành công lắp ráp và tiêu thụ xe máy tại Mali, sẽ có triển vọng mở rộng sang nhiều nước châu Phi khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam và châu Phi còn có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động; nông, lâm, thủy sản; trồng cây công nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng, các nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, v.v...

Nhà nước đang có những chủ trương, quyết sách mới để thúc đẩy hơn nữa hợp tác Việt Nam - châu Phi thông qua Chương trình hành động quốc gia 2011- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, theo đó nhiều công cụ pháp lý, tài chính, khuyến khích đầu tư sang châu Phi sẽ được ban hành.

Với một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng như vậy, cùng với chính sách tăng cường và mở rộng hợp tác của Đảng và Nhà nước ta với châu Phi, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp..., chúng ta tin tưởng rằng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi ngày càng phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước.

 

moit.

Nguồn:Vinanet