Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam từ tự do hóa thương mại, thu hút đầu tư, nhưng đồng thời cũng sẽ hạn chế quyền của Chính phủ được thực hiện những chính sách hỗ trợ ngành sản xuất trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Đây là nội dung được quan tâm tại Hội thảo "Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế còn lại gì sau các FTA" được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 1/6.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết 9 FTA và đang đàm phán hàng loạt các FTA thế hệ mới quan trọng như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU.
Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhận định, các FTA mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành kinh tế Việt Nam, đặc biệt là mang lại cơ hội xuất khẩu với thuế quan ưu đãi và thu hút đầu tư nước ngoài từ các đối tác.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích từ tự do thương mại, các FTA cũng đòi hỏi Chính phủ Việt Nam thực thi những cam kết chặt chẽ trong việc triển khai chính sách hỗ trợ ngành sản xuất nội địa và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các ngành kinh tế trong nước.
Điển hình, nếu trước đây các FTA chỉ chú trọng những cam kết trong lĩnh vực hàng hóa, thì những FTA thế hệ mới hiện nay mở rộng thêm nhiều lĩnh vực như thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thể chế...
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để Việt Nam tham gia tích cực vào nhiều FTA đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải vượt qua những áp lực cạnh tranh gay gắt. Đơn cử, ngành công nghiệp điện tử có những nhân tố tác động đến không gian chính sách là hạn chế về nguồn tài chính, quy định nới lỏng hơn về sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp trong nước theo cam kết hội nhập.
Riêng trong ngành chế biến thực phẩm, tác động của các FTA dẫn đến những thách thức như: không gian chính sách thuế quan và đầu tư thu hẹp hơn; biện pháp chống bán phá giá nghiêm ngặt hơn từ các nước đối tác; hỗ trợ tín dụng hạn chế hơn.
Phân tích về tác động của các FTA đối với ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, lĩnh vực nông nghiệp chiếm đại đa số lao động, lại gặp nhiều rủi ro về thị trường, thời tiết...
Do đó, Chính phủ cần đẩy mạnh áp dụng những biện pháp hỗ trợ khác mà luật của WTO không cấm để hỗ trợ nông dân. Trong đó, Việt Nam cần có những chính sách về khuyến nông, đầu tư khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm.
Mặt khác, các bộ, ngành nên tăng cường giải pháp tuyên truyền sâu rộng các FTA về thuận lợi, bất lợi để doanh nghiệp có sự chuẩn bị và khai thác hiệu quả lợi thế.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn Chính sách thương mại Quốc tế VCCI nhấn mạnh, Thủ tướng đã chỉ đạo đoàn đàm phán trước khi đi đàm phán phải tham vấn ý kiến tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về các nội dung và ý tưởng đàm phán.
Điều đó cho thấy, nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế - xã hội tham gia vào việc đàm phán các FTA, tích cực chủ động trong tiến trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặt khác, các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến cáo đối với doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang và sẽ ký kết thêm FTA. Vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề pháp lý, quy định của những nước đối tác có quan hệ xuất nhập khẩu; đặc biệt những vấn đề liên quan về xuất xứ hàng hóa để tận dụng lợi thế từ các FTA.
Nguồn:Vinanet