menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Châu Phi nói tiếng Pháp

09:40 11/04/2014

Cùng với chế độ thực dân hóa do Pháp tiến hành hơn một thế kỷ tại châu Phi (1850-1960), tiếng Pháp được truyền bá vào châu Phi và trở thành ngôn ngữ quan trọng của nhiều nước. Châu Phi là châu lục có số người nói tiếng Pháp nhiều nhất thế giới. Hiện nay tại châu Phi có 32 nước nói tiếng Pháp. Năm 2013, dân số các nước này là 3560 triệu người, chiếm trên 1/3 dân số toàn châu lục. Dự báo đến năm 2050, dân số sẽ lên đến 732 triệu người.
Cùng với chế độ thực dân hóa do Pháp tiến hành hơn một thế kỷ tại châu Phi (1850-1960), tiếng Pháp được truyền bá vào châu Phi và trở thành ngôn ngữ quan trọng của nhiều nước. Châu Phi là châu lục có số người nói tiếng Pháp nhiều nhất thế giới. Hiện nay tại châu Phi có 32 nước nói tiếng Pháp. Năm 2013, dân số các nước này là 3560 triệu người, chiếm trên 1/3 dân số toàn châu lục. Dự báo đến năm 2050, dân số sẽ lên đến 732 triệu người.

Các nước nói tiếng Pháp hoặc thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ chiếm hơn một nửa trong tổng số 55 quốc gia châu Phi. Mức độ sử dụng tiếng Pháp trong các nước này có thể chia làm 3 nhóm nước như sau :      

+ Các nước dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức: Gồm 21 nước : Bê-nanh, Buốc kina Fa xô, Bu-run-đi, Ca-mơ-run, Cô-mo, Bờ Biển Ngà, DJi-bu-ti, Ga-bông, Ghi-nê, Ghi-nê xích đạo, Ma-đa-ga-xca, Mali, Ni-giê, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa DC Công-gô, CH Công-gô, Ru-an-đa, Xê-nê-gan, Xây-sen, Sát và Tô-gô.

+ Các nước dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ thứ hai, gồm 5 nước: An-giê-ri, Ma-rốc, Mô-ri-xơ, Mô-ri-ta-ni và Tuy-ni-di.

+ Các nước là thành viên Tổ chức Pháp ngữ Quốc tế (OIF) : gồm 6 nước : Cáp-ve, Ai-Cập, Gha-na, Ghi-nê Bít-sao, Mô-dăm-bích, Xao-Tô-mê-và-Prin-xi-pơ.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tổng thu nhập quốc nội (GDP) năm 2013 của các nước nói tiếng Pháp tại châu Phi đạt trên 745 tỷ USD, chiếm 43% GDP toàn châu lục và 1,2% GDP toàn cầu. Ghi-nê Xích đạo là quốc gia duy nhất được xếp hạng nước có thu nhập cao với GDP theo đầu người 14.540 USD/người ; 5 nước có thu nhập theo đầu người ở mức trung bình cao là Xây-sen, Ga-bông, Mô-ri-xơ, An-giê-ri và Tuy-ni-di (trên 4.000 USD/người). Các nước còn lại phần lớn có thu nhập thấp hoặc trung bình ở mức thấp.

Các nước nói tiếng Pháp tại châu Phi sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên : Dầu lửa, khí đốt, vàng, kim cương, đồng, cô-ban, bô-xít, phốt phát, ăng-ti-moan, u-ra-ni...

Từ năm 2008, hưởng ứng sáng kiến của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) và nhằm triển khai Chương trình hành động Siem Reap về đẩy mạnh trao đổi thương mại liên vùng giữa 3 khu vực sông Mekong nói tiếng Pháp (Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia), 8 nước thuộc Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) và 6 nước thuộc Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC), Bộ Công Thương, các doanh nghiệp của Việt Nam và của các nước khu vực Tây và Trung Phi nói tiếng Pháp đã tích cực phối hợp và tham gia nhiều hoạt động do OIF và ITC tổ chức như tham dự Cuộc gặp bên mua/bên bán về gạo, dệt may, hàng công nghiệp, gỗ…, các hội thảo ngân hàng, thúc đẩy việc trao đổi và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và châu Phi, biên soạn và xuất bản cuốn sách Triển vọng Hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam-UEMOA-CEMAC bằng tiếng Việt và tiếng Pháp,…

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2013, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đạt 4,29 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,88 tỷ USD, tăng 16%, chiếm 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong số 10 thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam tại châu Phi có các nước nói tiếng Pháp là Bờ Biển Ngà (247,14 triệu USD), An-giê-ri (177 triệu USD), Ca-mơ-run (101 triệu USD), Ma-rốc (100 triệu USD)... Diện mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này cũng ngày càng đa dạng. Bên cạnh hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa... thì đã có thêm những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động, máy móc thiết bị phụ tùng. Những năm gần đây, mặt hàng giày dép, dệt may, thủy sản như cá tra, tôm cũng đã xuất hiện ngày một nhiều tại các nước châu Phi nói tiếng Pháp.

Về nhập khẩu của Việt Nam từ châu Phi nói chung, năm 2013, kim ngạch đạt 1,42 tỷ USD, tăng 37,7% so với năm 2012. Việt Nam đã mua hàng hoá từ 50 nước châu Phi trong đó các thị trường nói tiếng Pháp là Bờ Biển Ngà (255,3 triệu USD), Ca-mơ-run (89,45 triệu USD), Bê-nanh (65,4 triệu USD), Ghi-nê Bít xao (62 triệu USD), Mali (58,8 triệu USD), Buốc-ki-na Pha xô (51 triệu USD)... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm điều thô, bông, gỗ, sắt thép phế liệu,…

Nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và các Bộ, ngành hữu quan tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Pháp ngữ trong 02 ngày 3-4/4/2014 tại Hà Nội. Các đại biểu và chuyên gia tham gia Diễn đàn đã có nhiều tham luận với các đề xuất thiết thực cho Chiến lược kinh tế Pháp ngữ trên các lĩnh vực: thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, An ninh lương thực, tác nhân và mô hình hợp tác ba bên. Một chủ đề cũng được thảo luận sôi nổi tại phiên họp là vai trò của nữ doanh nhân trong không gian Pháp ngữ./.

Vụ Châu Phi Tây Nam Á

Nguồn: Thị trường nước ngoài

Nguồn:Internet