menu search
Đóng menu
Đóng

Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam sau khi gia nhập WTO

16:33 09/06/2009
Tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam sau khi gia nhập WTO giai đoạn 2010 – 2020”. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (8-9/6/2009).
Theo báo cáo, hiện nay hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt tại khoảng 160 thị trường trên thế giới; trong đó, thâm nhập vào 3 khối thị trường chính là: EU, Nhật Bản, Mỹ và đang bắt đầu thăm nhập các thị truờng mới phát triển như : Đông Âu, Trung Đông, châu Mỹ…Hiện Việt Nam được coi là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng giá trị trung bình giai đoạn 1998 – 2008 đạt 18%/năm. Trước những năm 1990, xuất khẩu thủy sản của nước ta sản phẩm chủ lực chủ yếu là tôm, chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu. Đến nay, tuy xuất khẩu tôm vẫn tăng nhưng tỷ trọng giảm, các nhóm hàng khác như cá lại có tốc độ tăng nhanh, cá tra là hiện tượng đặc biệt có sự tăng trưởng bùng nổ kể từ sau năm 2000. Tính riêng trong năm 2008, khối lượng cá xuất khẩu đạt hơn 825 tấn, tỷ trọng đạt 66,7% khối lượng thủy sản xuất khẩu, trong đó riêng cá tra đạt hơn 640 tấn chiếm hơn 51% tỷ trọng khối lượng thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại và thách thức do chủ quan và khách quan, cần sớm tháo gỡ và khắc phục.

Để ngành thủy sản phát triển bền vững trong thời gian tới nhất là sau khi gia nhập WTO, một số đại biểu cho rằng cần xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững ngành thủy sản như : rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với trình độ phát triển và vị trí của Việt Nam trong cộng đồng nghề cá thế giới, bảo đảm hài hòa với hệ thống hiệp định và cam kết quốc tế về phát triển ngành cá có trách nhiệm bình đẳng và thông thoáng thương mại, bảo vệ người tiêu dùng. Hỗ trợ đầu tư công nghệ hiện đại hơn và ''sạch'' hơn, ủng hộ ý tưởng thành lập một Liên đoàn xuất khẩu thủy sản ASEAN - một tổ chức phi chính phủ nhằm mục đích xây dựng và củng cố mối quan hệ khu vực đồng thời giảm thiểu những cách thức cạnh tranh thiếu lành mạnh của ngành thủy sản trong khối và nâng cao hiệu quả thương lượng với các đối tác trên thị trường thế giới. Đặc biệt, là cung cấp thông tin cập nhật về thị trường quốc tế để các nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong nước cập nhật kịp thời giá cả thị trường thế giới mà theo một số đại biểu đây chính là nhân tố quan trọng để tồn tại trong thị trường đầy cạnh tranh.

Nguồn:Vinanet