menu search
Đóng menu
Đóng

Bản tin thị trường Campuchia tuần 1 và 2 tháng 10/2022

10:35 25/10/2022

Thương vụ Việt Nam tại Campuchia xin gửi Bản tin thị trường sở tại tuần 1 và 2 của tháng 10 để bạn đọc và doanh nghiệp tham khảo.
TIN CHUNG VỀ KINH TẾ, THƯƠNG MẠI CAMPUCHIA
Campuchia đã phê duyệt 150 dự án đầu tư trị giá 3,45 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022
Khmer Times (7/10): Trong 9 tháng đầu năm 2022, Hội đồng Phát triển Campuchia đã phê duyệt 150 dự án đầu tư trị giá khoảng 3,45 tỷ USD. So với năm 2021, số dự án đầu tư mới tăng thêm 16 dự án với số vốn tăng thêm khoảng 100 triệu USD. Các dự án được phê duyệt bao gồm các nhà máy may mặc, giày dép, hàng du lịch, nhà máy sản xuất lốp xe, khách sạn, bệnh viện, nhà máy lắp ráp ô tô, nhà máy điện tử và nhà máy chế biến và đóng gói trái cây, và dự kiến sẽ tạo ra hàng nghìn công việc mới cho người dân. Trong đó, đầu tư trong nước chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 50,94% tổng số dự án đầu tư được phê duyệt trong giai đoạn này, trong khi đầu tư từ Trung Quốc chiếm 43,94%.
Campuchia thu lại được hơn 14 triệu USD từ các thùng dầu bị đánh cắp
The Phnom Penh Post (11/10): Campuchia sẽ thu lại được khoảng hơn 14 triệu USD tiền bán 300.000 thùng dầu thô bị đánh cắp trên tàu chở dầu MT Strovolos mang cờ Bahamas được khai thác từ Lô A của công ty Kris Energy (trụ sở tại Singapore, chi nhánh của công ty này tại Campuchia đã tuyên bố phá sản vào đầu tháng 6/2022). Trước đó, khi vận chuyển số dầu trên ra khỏi lãnh thổ Campuchia, tàu MT Strolovos đã bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ (7/2022) theo yêu cầu của Chính phủ CPC. Giá bán trung bình cho mỗi thùng dầu trên khoảng 89,867 USD/thùng, sau khi trừ các chi phí cần thiết như vận chuyển, bảo hiểm, chuyển nhượng thì Campuchia sẽ nhận được số tiền 14,2 triệu USD.
Công ty Trung Quốc khai thác vàng tại Campuchia
Khmer Times (10/10): Công ty Xing Yuan Kanng Yeak Co., Ltd đã chính thức khai thác vàng tại nhà máy ở huyện Sambor, tỉnh Kratie. Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Suy Sem và các quan chức chính quyền địa phương. Được biết, công ty đã được cấp giấy phép khai thác vàng từ năm 2018. Trong giai đoạn đầu, công ty này sẽ sản xuất được khoảng 20 kg vàng/tháng và khai thác trên diện tích rộng 28 km2. Đây là công ty Trung Quốc thứ hai khai thác vàng tại CPC sau công ty Delcom Campuchea Plc (liên doanh CPC và Trung Quốc) đã khai thác vàng tại tỉnh Preah Vihear vào đầu tháng 8/2022.
Giá trị xuất nhập khẩu tại Đặc khu kinh tế Sihanouk Ville đạt 1,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022
Khmer Times (18/10): Giá trị xuất nhập khẩu tại Đặc khu kinh tế Sihanouk Ville (SSEZ) do Trung Quốc đầu tư (lớn nhất khu vực Châu Á) trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1,9 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Phó Quốc vụ khanh kiêm người phát ngôn Bộ Thương mại CPC Penn Sovicheat đánh giá SSEZ là “hình mẫu hoàn hảo” về hợp tác đôi bên cùng có lợi trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường”, khu vực này tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đóng vai trò hình mẫu cho các cụm công nghiệp, cơ sở xuất khẩu do nằm trong khu vực gần Cảng tự hành Sihanouk Ville nên thuận tiện cho việc trao đổi thương mại giữa CPC và các nước. Giám đốc trung tâm nghiên cứu Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của CPC Neak Chandarith cho biết SSEZ đã góp phần đáng kể vào việc hỗ trợ xuất khẩu của CPC trong đại dịch Covid-19.
Trao đổi thương mại giữa Campuchia và các nước đạt 41,02 tỷ USD
Khmer Times (11/10): Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và Thuế suất Campuchia, trong 9 tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại giữa Campuchia và các nước đạt 41,02 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Campuchia đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 17,52 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất đối với các sản phẩm do Campuchia sản xuất, trị giá xuất khẩu đạt 7,04 tỷ USD, chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu của nước này, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn thứ hai của Campuchia, với lượng hàng hóa trị giá 1,55 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Xếp thứ 3 và thứ 4 lần lượt là Nhật Bản và Trung Quốc với 897 triệu USD và 895 triệu USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Campuchia là hàng may mặc, máy móc và thiết bị điện, sản phẩm giày dép, đồ da, ngũ cốc, đồ gỗ, cao su, trái cây, rau quả và các mặt hàng dệt khác.
Campuchia cũng đã đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 23,76 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 15,2%. Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất vào Campuchia với 7,9 tỷ USD, chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Phó chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia Lim Heng cho rằng tăng trưởng xuất khẩu là do việc kiểm soát hiệu quả tình hình Covid-19 của Campuchia tương đối tốt với tỷ lệ bao phủ vắc xin ở mức cao, tạo điều kiện để khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội, thúc đẩy chuỗi sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp. Đồng thời, các ưu đãi về thương mại trong các Hiệp định thương mại như RCEP, FTA Campuchia-Trung Quốc và các ưu đãi thương mại khác (EBA và GSP) đã tạo động lực cho tăng trưởng xuất khẩu của Campuchia, thu hút nhiều nhà đầu tư vào Campuchia.
Kiều hối của Campuchia dự kiến đạt 2,7 tỷ USD trong năm 2022
Khmer Times (13/10): Theo Bộ Lao động và dạy nghề Campuchia, lượng kiều hối năm 2022 dự kiến sẽ đạt 2,720 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm 2021 (đạt 2,63 tỷ USD). Hiện nay, lao động nước ngoài của CPC trở thành nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của các gia đình, đồng thời góp phần gia tăng kỹ năng là kinh nghiệm đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Tính đến hết tháng 7/2022, lao động Campuchia đã làm việc tại 07 quốc gia, trong đó số lượng lao động Campuchia làm việc tại Thái Lan là cao nhất với 1,22 triệu người, xếp sau là lao động tại các nước như Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong, và Ả Rập Xê Út.
Lạm phát tại Campuchia tăng gần 8%, thâm hụt thương mại thu hẹp trong tháng 6/2022
Khmer Times (12/10): Theo Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC), lạm phát của Campuchia đã tăng lên 7,85% vào tháng 6/2022, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Mặt khác, giá trị của đồng Riel giảm 0,07% xuống 4.091 Riel/1 USD, thâm hụt thương mại được thu hẹp khoảng 897 triệu USD. NBC cũng đưa ra các mặt hàng xuất khẩu chính trong giai đoạn này của Campuchia là hàng may mặc, giày dép, phụ tùng điện tử, xe đạp, cao su, sản phẩm gỗ, gạo, nông sản, phụ tùng ô tô và xe đạp. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là vàng, sợi vải, dầu, ô tô, thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng, quần áo, dược phẩm, thiết bị điện, phân bón và thuốc lá.
THÔNG TIN CHÍNH SÁCH
Hiệp định thương mại tự do Campuchia-Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 1/12/2022
Khmer Times (5/10): Đại sứ quán Hàn Quốc tại Campuchia xác nhận rằng Hiệp định Thương mại Tự do Campuchia-Hàn Quốc (CKFTA) sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 12 năm 2022 sau khi đại sứ quán Hàn Quốc gửi thông báo chính thức cho Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế ( MFAIC) Campuchia vào ngày 2/10 với nội dung Chính phủ Hàn Quốc đã hoàn thành các thủ tục cần thiết để Hiệp định trên chính thức có hiệu lực. Theo đó, CKFTA sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày có công hàm chính thức. Được biết, Quốc hội Hàn Quốc (27/9), đã chính thức phê chuẩn CKFTA. Việc hiệp định trên chính thức có hiệu lực sẽ giúp tạo điều kiện cho việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Đối với Campuchia, dự kiến sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang Hàn Quốc các mặt hàng như hàng may mặc, dệt may, giày dép, túi xách, phụ kiện, thiết bị điện tử, cao su và các sản phẩm nông nghiệp khác.
DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
Khmer Times (17/10): Bộ Giao thông công chính và Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia dự kiến sẽ thành lập 01 Ủy ban giám sát các hoạt động trên tuyến đường cao tốc Phnom Penh – Sihanouk Ville, (dài 190 km) trước khi Tổng công ty cầu đường Trung Quốc – CRBC chính thức thu phí người tham gia giao thông kể từ tháng 11/2022. Được biết, Ủy ban này sẽ bao gồm các quan chức cấp cao từ 02 Bộ trên và không bao gồm nhà thầu CRBC, đồng thời sẽ giám sát tuyến đường chủ yếu thông qua công nghệ nhằm đảm bảo doanh thu từ việc sử dụng đường cao tốc, đồng thời ứng phó với các vấn đề kỹ thuật có thể xảy ra trong quá trình vận hành, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Hiện nay, Bộ Giao thông công chính CPC đang làm việc với 14 ngân hàng và một số tổ chức tài chính để tạo điều kiện cho việc thanh toán của người tham gia giao thông khi sử dụng đường cao tốc.
THÔNG TIN CÁC NGÀNH HÀNG
Campuchia dự kiến xuất khẩu nhãn sang thị trường Trung Quốc
Khmer Times (10/10): Dự kiến, trong tháng 10 hoặc tháng 11/2022 các lô hàng nhãn quả tươi xuất khẩu đầu tiên từ Campuchia sẽ được vận chuyển sang Trung Quốc. Được biết, nhãn là mặt hàng trái cây tươi thứ ba của Campuchia được cơ quan kiểm dịch thực vật của Trung Quốc cho phép nhập khẩu, sau chuối và xoài. Tuy nhiên, hiện nay công ty xuất khẩu đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng nhãn do năm nay sản lượng nhãn kém. Các nhà xuất khẩu nhãn Campuchia hi vọng sẽ xuất khẩu được khoảng 10.000 tấn nhãn sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, Sở Nông, Lâm và Ngư nghiệp tỉnh Pailin, (khu vực trồng nhãn lớn nhất của Campuchia) kêu gọi những người trồng nhãn muốn xuất khẩu sang Trung Quốc liên hệ với Văn phòng Sở Nông, lâm và Ngư nghiệp hoặc liên hệ trực tiếp với người mua phía Trung Quốc. Các vườn nhãn và cơ sở đóng gói của Campuchia muốn xuất khẩu nhãn sang Trung Quốc phải được đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Theo báo cáo của của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, hiện nay có tổng cộng 74 vườn cây ăn quả và 8 nhà máy đóng gói tuân thủ việc đảm bảo yêu cầu chất lượng, kiểm dịch thực vật bắt buộc và được phép xuất khẩu nhãn sang thị trường Trung Quốc.
Theo Sở Nông, Lâm và Ngư nghiệp tỉnh Pailin, nhãn được trồng tại các trang trại GAP đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Khoảng 30% trong số 7.000 ha trồng nhãn của tỉnh là trang trại được chứng nhận GAP. Nhãn sẽ được khử trùng trong những cơ sở đủ tiêu chuẩn (do các nhà đầu tư Trung Quốc và địa phương làm chủ), sau đó, trái cây sẽ được đóng gói và đặt trong các thùng mát để thuận tiện trong bảo quản, vận chuyển. Việc xuất khẩu nhãn sang Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho nhãn Pailin đa dạng hóa hơn thị trường xuất khẩu, bên cạnh việc xuất khẩu sang Thái Lan. Giá nhãn hiện tại là 3.500.000 Riel (tương đương 862 USD)/tấn. Hiện nay, tổng diện tích trồng nhãn của Campuchia khoảng 13.608 ha ở 14 tỉnh, tập trung chủ yếu tại Pailin, Battambang, Ratanakkiri và Banteay Meanchey. Năm 2021, diện tích thu hoạch là 6.927 ha với sản lượng nhãn là 110.000 tấn.
Campuchia xuất khẩu gạo xay đạt 287 triệu USD
Khmer Times (11/10): Theo báo cáo của Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) cho biết Campuchia đã xuất khẩu 449.325 tấn gạo xay trị giá 287 triệu USD sang thị trường quốc tế trong 9 tháng đầu năm 2022, tăng 10% so với năm ngoái. Trong giai đoạn này, Campuchia đã xuất khẩu gạo xay sang 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 9 quốc gia lớn nhất chiếm hơn 82% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trung Quốc và EU vẫn là thị trường chính cho gạo xay của Campuchia. Trung Quốc đã mua 198.107 tấn từ Campuchia, chiếm 44,09% tổng lô hàng. Các thị trường khác là Pháp với 14,83%, Malaysia 5,58%, Hà Lan 4,65%, Ý 2,65%, Gabon 2,63%, Brunei 2,44%, Anh 2,25% và Đức 2,08%.
Campuchia xuất khẩu xe đạp đạt giá trị 700 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2022
Khmer Times (14/10): Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và Thuế suất, Campuchia đã xuất khẩu xe đạp trị giá khoảng 700 triệu USD sang thị trường Mỹ, Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu (EU), Canada, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo Phó Quốc vụ khanh kiêm phát ngôn viên Bộ Thương mại Campuchia Seang Thai, nguyên nhân của việc gia tăng giá trị mặt hàng trên là do tình hình Covid-19 đã được cải thiện, nhu cầu nâng cao sức khỏe ngày càng gia tăng và nỗ lực xúc tiến thương mại, thu hút khách hàng của các Bộ, ngành. Hiện nay, Campuchia đứng đầu ASEAN về xuất khẩu xe đạp và đứng thứ 5 trên thế giới (sau Trung Quốc, Đài Loan, Hà Lan và Đức).
Xuất khẩu hàng may mặc tăng 24% trong 9 tháng đầu năm 2022
Khmer Times (14/10): Trong 9 tháng đầu năm 2022, Campuchia đã thu được 10,25 tỷ USD từ xuất khẩu các sản phẩm may mặc gồm quần áo, giầy dép và hàng du lịch, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất đối với Campuchia, chiếm gần 60% tổng giá trị xuất khẩu. Theo Quốc vụ khanh Bộ Lao động và đào tạo nghề Heng Sour, sự gia tăng xuất khẩu ngành may mặc do chính sách thúc đẩy tiêm chủng của Chính phủ Campuchia tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội tại Campuchia diễn ra bình thường. Tuy nhiên, ông này cũng đánh giá ngành may mặc của Campuchia có thể sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn cuối năm nay do tác động ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine và lạm phát toàn cầu gia tăng. Điều này sẽ khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm của Campuchia (nhất là châu Âu) suy giảm, do người dân sẽ ưu tiên tập trung vào vấn đề năng lượng, điện và cắt giảm các chi phí không cần thiết khác, trong đó có hàng may mặc. Hiện nay Campuchia có khoảng 1.300 nhà máy, xí nghiệp dệt may và sử dụng khoảng 830.000 lao động, chủ yếu là công nhân nữ.
Campuchia xuất khẩu gạo tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021
Khmer Times (11/10): Theo Liên đoàn gạo Campuchia (CRF), trong 9 tháng đầu năm 2022, Campuchia đã xuất khẩu 449.325 tấn gạo xay sang thị trường quốc tế với giá trị 287 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là nước nhập khẩu gạo Campuchia lớn nhất với 198.107 tấn, chiếm 44,09% tổng lượng gạo xuất khẩu của CPC. Tiếp theo là Pháp (14,83%), Malaysia (5,58%), Hà Lan (4,65%), Ý (2,65%), Gabon (2,63%), Brunei (2,44%), Anh (2,25%) và Đức (2,08%).
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Campuchia