menu search
Đóng menu
Đóng

Điểm tin thị trường Thái Lan từ ngày 14/03 - 18/03

09:03 24/03/2022

Điểm tin Thị trường Thái Lan từ ngày 14/03/2022 đến ngày 18/03/2022 để tham khảo.
Triển vọng xuất khẩu gạo của Thái Lan
Thái Lan dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 8 triệu tấn gạo năm nay nhờ đồng Bạt giảm và nhu cầu thị trường tăng cao. Trong 02 tháng đầu năm nay, Thái Lan xuất khẩu 1,5 triệu tấn so với 900.000 tấn cùng kỳ năm 2021. Nếu Thái Lan xuất khẩu trung bình 700.000 tấn/ tháng; tổng kim ngạch xuất khẩu gạo sẽ vượt mức 8 triệu tấn so với dự báo 7 triệu tấn trước đó. Dự báo vụ mùa 2021/22, sản lượng đạt 30-32 triệu tấn gạo chưa xay xát.
Trên thị trường quốc tế, giá gạo Thái Lan hiện đang cạnh tranh do đồng Bạt giảm – một phần vì chiến tranh Nga-Ukraine đang diễn ra. Mức chênh về giá giữa gạo Thái Lan và Việt Nam dần được thu hẹp. Giá gạo trắng 5% tấm giao dịch ở mức 420 USD tương đương giá gạo Việt Nam. Nếu không có sự chênh lệch về giá giữa gạo Thái Lan và Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài tại Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc thường chọn gạo Thái Lan. Các thị trường truyền thống như Hồng Kông và Xing-ga-po vẫn duy trì sức mua ổn định; Irag, Iran và Saudi Arabia dự báo sẽ quay trở lại nhập khẩu gạo Thái Lan.
Thái Lan hỗ trợ người dân thu nhập thấp ảnh hưởng về giá nhiên liệu
Chính phủ Thái Lan có kế hoạch ban hành các biện pháp hỗ trợ người dân thu nhập thấp chịu ảnh hưởng về giá nhiên liệu. Biện pháp của Chính phủ Thái Lan áp dụng đối với khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và khi tự nhiên (NGV). Bộ Năng lượng và Tài chính chịu trách nhiệm nghiên cứu các biện pháp cụ thể đối với nhóm người sử dụng LPG và NGV bên cạnh các biện pháp hỗ trợ hiện hành.
Trước đó, Quỹ dầu chi trả mức ngân sách dao động 7.25-7.6 tỉ Bạt/ tháng nhằm bình ổn giá dầu diesel ở mức 30 Bạt/ lít trong thời gian tháng 01-02/2022. Tính đến thời điểm trung tuần tháng 03/2022, tổng ngân sách của Quỹ dầu 29.3 tỉ Bạt.
Đối với người thu nhập thấp, Chính phủ đang cân nhắc nâng mức hỗ trợ hàng tháng thêm 100 Bạt/ người trong thời hạn 03 tháng. Chính phủ cũng có kế hoạch hỗ trợ thêm chi phí LPG đối với các cửa hiệu ăn uống nhỏ tham gia chương trình “Khon La Khrueng”. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng cân nhắc ban hành thêm các biện pháp hỗ trợ tiền điện hàng tháng.
Chính phủ Thái Lan thông qua việc tăng giá phân bón
Vụ Nội thương vừa thông qua việc tăng giá phân bón để phù hợp với tình hình thực tế khi chi phí sản xuất tăng. Việc tăng giá được áp dụng đối với từng doanh nghiệp sản xuất và theo từng trường hợp cụ thể. Thời gian qua, chi phí sản xuất đã tăng 36-49% so với năm 2021 và gần 100% so với năm 2020 do giá dầu thế giới tăng mạnh và chiến tranh Nga-Ukraine.
Thái Lan hiện nhập siêu phân bón với hơn 5 triệu tấn/ năm, chủ yếu từ các nhà cung cấp tại Trung Đông, Trung Quốc, Nga và Canada. Tuần trước, Hiệp hội Phân bón và Vật tư Nông nghiệp đã trình thư lên Bộ trưởng Thương mại kiến nghị xem xét chính sách ấn định giá và cho phép doanh nghiệp tăng giá phân bón phù hợp với chi phí sản xuất.
Thị trường phân bón trong nước biến động lớn sau khi Nga – quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới khởi chiếnvới Ukraine. Chiến tranh Nga-Ukraine dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường toàn cầu. Trung bình Nga sản xuất hơn 50 triệu tấn phân bón/ năm, chiếm tỉ trọng 25% tổng sản lượng toàn cầu. Thái Lan nhập khẩu 500.000 tấn phân bón từ Nga năm 2022.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỉ trọng điện tái tạo đạt mức 50%
Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu xây dựng kế hoạch phát triển điện quốc gia mới nhằm tăng tỉ trọng của điện tái tạo đạt mức 50% vào năm 2050. Mục tiêu của Chính phủ Thái Lan phù hợp với tầm nhìn phát triển của Thái Lan đạt mức độ trung hòa carbon vào năm 2050 và không thải khí nhà kính vào năm 2065.
Thái Lan thải khoảng 250 triệu tấn khí carbon hàng năm; trong đó, 100 triệu tấn khí thải từ các nhà máy điện. Nếu điện tái tạo tăng tỉ trọng, khối lượng khí thải giảm còn 35 triệu tấn vào năm 2043. Chính phủ Thái Lan cũng có kế hoạch tăng khối lượng điện mua từ Lào từ mức 9.000 MW tại thời điểm hiện tại lên mức 10.500 MW.
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan