Theo ông Arief, mặc dù gạo có thể không phải chịu thuế VAT trực tiếp nhưng nhiều thành phần khác nhau liên quan đến sản xuất và phân phối thực sự phải chịu thuế, chẳng hạn như chi phí hậu cần có thể tăng do thuế VAT tăng, điều này có thể ảnh hưởng đến giá gạo.
Ông Arief cho rằng, “nếu giá nhiên liệu tăng, nó sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển gạo, mặc dù đó không phải là tác động trực tiếp”.
Việc tăng thuế VAT sẽ dẫn đến tăng giá các mặt hàng khác được bán trong những cửa hàng tiện lợi và siêu thị. Ngược lại, điều này có thể ảnh hưởng gián tiếp đến ngân sách hộ gia đình, có khả năng dẫn đến tăng nhu cầu đối với các mặt hàng chủ lực giá cả phải chăng như gạo. Tuy nhiên, ông Arief không thể đưa ra ước tính cụ thể về khả năng tăng giá gạo.
Theo ông Arief, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati sẽ xem xét cẩn thận độ co giãn theo giá trong quyết định tăng thuế suất VAT. Trước đó, Chính phủ Indonesia thông báo sẽ tăng mức thuế VAT từ 11% lên 12% từ đầu năm 2025. Giới chuyên gia cho rằng, chính sách này sẽ tác động đến giá cả hàng hóa và dịch vụ, gây sức ép lớn lên đời sống người dân, đặc biệt là tầng lớp người nghèo.
Nguồn:TTXVN tại Jakarta