menu search
Đóng menu
Đóng

Bãi bỏ 67 điều kiện kinh doanh nông nghiệp

15:12 15/08/2016

Bộ NN&PTNT đã ban hành 02 quyết định về việc bãi bỏ những điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại 20 thông tư, quyết định của Bộ trưởng; 33 văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với pháp luật hiện hành và đến nay đã hoàn thành trình Chính phủ ban hành một nghị định.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, nhằm thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong ngành Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã thực hiện cắt giảm các điều kiện kinh doanh quy định dưới dạng Thông tư được thực hiện theo yêu cầu của Luật Đầu tư năm 2014.

Theo đó, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã thực hiện theo đúng quy định pháp luật và tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Đến nay, Bộ cũng đã hoàn thành việc trình Chính phủ ban hành nghị định về các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ở một nghị định (Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm).

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trước khi Nghị định được thông qua riêng Bộ này có tới 39 thông tư có quy định về các ĐKKD, với 99 ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp. Theo tinh thần rà soát Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Nghị định mới có hiệu lực thi hành đã chính thức cắt giảm từ 99 ngành còn 35 ngành nghề còn điều kiện kinh doanh.

Trong 35 ngành nghề có điều kiện kinh doanh, Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị với Chính phủ cho phép không quy định, bỏ bớt đi 3 ngành nghề có điều kiện kinh doanh gồm: kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát; củi và than hồng; ngư lưới cụ trong đánh bắt thủy sản. Còn lại các điều kiện kinh doanh khác được quy định theo hướng giảm tối thiểu những thủ tục hành chính, chỉ tập trung cơ bản giữ những điều kiện căn bản để đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sau khi rà soát lại, Bộ NN&PTNT đã trình với Chính phủ ban hành 32 ngành nghề có điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để triển khai thực hiện đồng bộ với Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ, Bộ đã có Quyết định số 2655/QĐ-BNN-PC ngày 29/6/2016 về việc bãi bỏ quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành; Quyết định số 2519/QĐ-BNN-PC ngày 22/6/2016 về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã bãi bỏ những điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại 20 thông tư, quyết định của Bộ trưởng; bãi bỏ 33 thông tư, quyết định do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành không còn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, không còn áp dụng trên thực tế.

Ví dụ một số danh mục văn bản quy phạm pháp luật được bãi bỏ như trong lĩnh vực thú ý có Quyết định số 06/2006/QĐ-BNN ngày 23/1/2006 về việc ban hành danh mục mẫu biên bản và quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Lý do bãi bỏ văn bản vì Pháp lệnh xử phạt hành chính và Nghị định 129/2004/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành. Hiện nay các loại biên bản và quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y được thực hiện theo Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hoặc trong lĩnh vực trồng trọt, bãi bỏ Thông tư số 30/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/6/2013 hướng dẫn việc xây dựng phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng. Lý do bãi bỏ do nội dung Thông tư này không còn phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013…

Cùng với việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch hành động của Bộ nhằm thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong ngành Nông nghiệp.

Tại Kế hoạch hành động này, Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu trong thời gian tới, sẽ cải thiện môi trường kinh doanh ngành Nông nghiệp cả về điểm số và thứ hạng, phấn đấu đến năm 2017 đạt mức trung bình trên các chỉ tiêu xếp hạng về môi trường kinh doanh, đến năm 2020 đạt mức trung bình trên các chỉ tiêu thông lệ quốc tế.

Đồng thời, xây dựng và thực thi hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp, phấn đấu giai đoạn 2017-2020 mỗi năm tăng thêm khoảng 10% số lượng doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo chiếm khoảng 20%-30%....

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ đặt ra, Bộ NN&PTNT tập trung tổ chức thực hiện 3 nhóm giải pháp cụ thể là tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực và thị trường; cải cách hành chính.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện định kỳ báo cáo về Bộ (Qua Vụ Quản lý doanh nghiệp) để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; báo cáo định kỳ hàng tháng của các cơ quan, đơn vị gửi qua thư điện tử; báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng và 1 năm của các đơn vị bằng văn bản, đồng thời gửi qua thư điện tử./.

Nguồn: Phúc Nguyên/Thời báo Tài chính Việt Nam