Sáng 27-6, trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Mai Liên, thành viên nhóm nghiên cứu xây dựng dự án Luật thuế tài sản Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết ban soạn thảo đã tiếp thu chỉnh sửa nhiều nội dung và dự kiến sẽ trình dự thảo mới vào tháng 8.
"Ngưỡng đánh thuế đối với nhà vẫn chưa chốt sẽ theo giá trị thị trường hay giá trị xây dựng, hoặc theo diện tích, song nhà có giá trị xây dựng là trên 700 triệu đồng đã được loại bỏ, không còn nêu trong nội dung dự án Luật thuế Tài sản" - bà Liên nhấn mạnh.
Tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Nam Phi... theo bà Liên, thuế tài sản được đánh dựa trên giá trị thị trường của tài sản và chu kỳ định giá, giá trị tính thuế thường ổn định trong 3-5 năm.
Nhiều quốc gia áp dụng thuế suất tương đối, áp một mức thuế suất thống nhất cho cả nhà và đất. Như Philippines, Thái Lan ban hành biểu thuế suất lũy tiến theo giá trị nhà, đất và mục đích sử dụng thực tế nhằm đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả.
Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Liên gợi ý nếu chỉ đánh thuế với nhà, đất (thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung thêm thuế đối với nhà) thì "nên xây dựng Luật Thuế bất động sản thay cho Thuế Tài sản.
Bà Liên đề xuất nên quy định ngưỡng chịu thuế đối với nhà, đất, tức là vượt ngưỡng quy định, người dân mới phải nộp thuế, và chỉ cần quy định khung, sau đó các địa phương sẽ tự định mức thuế suất phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách của địa phương mình.
Đồng thời, cũng theo bà Liên, luật này cũng nên có các mức thuế suất phân biệt theo mục đích sử dụng đất và đánh theo lũy tiếnm, tức là sở hữu càng nhiều nhà, đất thì phải nộp nhiều tiền thuế, nhằm đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Trước đó, tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính đã họp báo công bố đề xuất nghiên cứu dự án Luật thuế Tài sản với đề nghị sẽ đánh thuế đối với nhà có giá trị xây dựng 700 triệu đồng, thuế suất 0,3-0,4%.
Ngoài thuế đối với nhà, đất, Bộ Tài chính cũng kiến nghị nên thu thuế đối với xe hơi có giá trị trên 1,5 tỉ đồng.
Đề xuất trên của Bộ Tài chính đã gặp phải các phản ứng mạnh từ dư luận với không ít ý kiến cho rằng chính sách này là thuế chồng thuế, tận thu, ảnh hưởng đến người nghèo...
Nên đánh thuế nhà phần giá trị trên 5 tỉ đồng
Về căn cứ tính thuế nhà, đất, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO góp ý cần được định giá theo thị trường chứ không phải theo giá quy định của cơ quan Nhà nước.
Đặc biệt, để đảm bảo công bằng, không ảnh hưởng đến những người thu nhập thấp, người dân có quyền được đảm bảo nhu cầu tối thiểu về nhà ở thì chỉ nên đánh thuế vào tài sản có giá trị lớn. Cụ thể, theo ông Đức, Nhà nước chỉ nên đán thuế với nhà từ phần giá trị trên 5 tỉ đồng.
Nguồn: Tuoitre.vn