menu search
Đóng menu
Đóng

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2022

01:04 03/03/2022

Điều kiện mới về kinh doanh bất động sản; mức thu lệ phí trước bạ ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm, Bổ sung quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2022.

Điều kiện mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/3/2022
Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/3/2022.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản, bao gồm các nội dung về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; về các loại hợp đồng mẫu kinh doanh bất động sản; về chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn; chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.
Mức thu lệ phí trước bạ ô tô điện chạy pin là 0% trong vòng 3 năm kể từ 1/3/2022
Theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ban hành ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ, với ô tô điện chạy pin, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Bổ sung quy định quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Có hiệu lực từ ngày 15/3/2022, Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường.
Trong đó, Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung thêm quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP.
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực, phát triển kinh tế - xã hội của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; quản lý tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.
Bổ sung quy định phòng, chống thiên tai lĩnh vực đường bộ
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 43/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11/1/2019 quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.
Thông tư bổ sung Điều 9a về công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai vào sau Điều 9 (chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn).
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hệ thống quốc lộ và đường bộ cao tốc; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Giao thông vận tải tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2022.
Quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics. Theo Thông tư, Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics là tập hợp các chỉ tiêu thống kê phản ánh các đặc điểm của hoạt động logistics, chi phí logistics trong nền kinh tế quốc gia và các dịch vụ logistics thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics gồm danh mục 63 chỉ tiêu thống kê logistics quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư, trong đó có: 13 chỉ tiêu thống kê logistics kết cấu hạ tầng; 6 chỉ tiêu thống kê logistics phương tiện vận tải; 6 chỉ tiêu thống kê logistics đào tạo nguồn nhân lực; 7 chỉ tiêu thống kê logistics doanh nghiệp, lao động; 13 chỉ tiêu thống kê logistics thương mại, dịch vụ; 3 chỉ tiêu thống kê logistics ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính; 5 chỉ tiêu thống kê logistics thời gian, chi phí logistics; 10 chỉ tiêu thống kê logistics năng lực và chất lượng dịch vụ logistics. Nội dung chỉ tiêu thống kê logistics quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/3/2022.
Giám sát tuân thủ đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 06/2022/TT-BTC ngày 8/2/2022 hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Thông tư 06 nêu rõ, phương thức giám sát của UBCKNN trên cơ sở báo cáo của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; phản ánh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trên thị trường chứng khoán và các nguồn tin trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến việc tuân thủ quy định pháp luật trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra giám sát tuân thủ hàng năm, UBCKNN thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và các công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và tổ chức kiểm tra đột xuất khi cần thiết.
Thông tư 06 có hiệu lực thi hành từ 24/3/2022.
Nhiều chính sách về bảo hiểm, lao động-tiền lương bắt đầu có hiệu lực
Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/3/2022.
Theo Thông tư tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp.
Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.
Mức tiền lương tháng nêu trên được xác định theo từng đối tượng như sau: Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân thì mức tiền lương tháng bao gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp (nếu có) liên quan đến tiền lương (phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung).
Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì mức tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà hai bên đã xác định trong hợp đồng lao động.
Đối với người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động có mức lương học nghề, tập nghề thì mức lương tháng là tiền lương học nghề, tập nghề do hai bên thỏa thuận; trong trường hợp không có mức lương học nghề, tập nghề thì tiền lương làm căn cứ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động là mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố tại địa điểm người học nghề, tập nghề làm việc.
Đối với công chức, viên chức trong thời gian tập sự thì mức lương tháng là tiền lương tập sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với người lao động đang trong thời gian thử việc thì mức lương tháng là tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Lao động áp dụng.
Hướng dẫn tính tần suất tai nạn lao động để giảm mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng có hiệu lực từ ngày ngày 1/3/2022. Cụ thể, Thông tư 27/2021/TT-BLĐTBXH đã hướng dẫn công thức cách tính tần suất tai nạn lao động để được giảm mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Theo Nghị định số 58/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp được đề xuất áp dụng mức đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (chỉ phải đóng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay vì 0,5%) khi đáp ứng các điều kiện theo quy định, trong đó có điều kiện về tần suất về tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất.
Tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc
Thông tư 02/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc có hiệu lực từ ngày 15/3/2022.
Thông tư 02/2022/TT-BNV áp dụng với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng (gọi là cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc).
Mức trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh như sau: Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã: 2.473.000 đồng/tháng (Trước đây là 2.116.000 đồng/tháng); đối với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 2.400.000 đồng/tháng (trước đây là 2.048.000 đồng/tháng); đối với các chức danh còn lại: 2.237.000 đồng/tháng (trước đây là 1.896.000 đồng/tháng).
Quy định mới về hoạt động trạm thu phí đường bộ
Theo Thông tư 45/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ có hiệu lực từ ngày 31/03/2022, tiêu chí thành lập trạm thu phí đường bộ là phải đặt trong phạm vi của dự án; phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hoặc trong Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thực hiện hình thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng và sử dụng công nghệ thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tiên tiến, hiện đại; trường hợp áp dụng hình thức khác phải được cấp có thẩm quyền cho phép; trường hợp trạm thu phí hoàn vốn cho dự án đối tác công tư phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án.
Công khai vị trí trạm thu phí trên phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương; tại UBND cấp huyện, xã nơi đặt trạm thu phí kể từ khi cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Hoạt động trạm thu phí đường bộ phải được công khai, minh bạch; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng, chỉ cung cấp thông tin khi có sự đồng ý của người sử dụng hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Từ 15/3/2022, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang, găng tay y tế
Theo Thông tư 03/2022/TT-BCT của Bộ Công Thương, các mã hàng khẩu trang y tế tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gồm: Mã hàng 6307.90.40; mã hàng 6307.90.90.
Các mã hàng găng tay y tế tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gồm: Mã hàng 3926.20.90; mã hàng 4015.11.00; mã hàng 4015.19.00.
Bộ trang phục phòng chống dịch (gồm quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày) mã hàng 6210.10.90 cũng tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2022 đến ngày 31/12/2022.
Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế, bộ trang phục phòng chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập từ ngày 01/01/2022 đến trước ngày 15/3/2022 được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Nguồn:Vinanet/VITIC