Nghị định có hiệu lực thi hành sẽ là công cụ quan trọng bảo đảm việc thu, sử dụng phí, lệ phí được công khai, minh bạch.
Theo quy định mới, tính công khai minh và minh bạch trong việc thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí thể hiện ở các điểm nổi bật sau:
Quy định rõ phạm vi và đối tượng áp dụng
Đây là điểm mới thứ nhất của Nghị định 120/2016/NĐ-CP. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 120/2016/NĐ-CP tập trung vào kê khai, thu, nộp phí, lệ phí; quản lý, sử dụng phí; quyết toán phí, lệ phí; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức trong việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí.
Về đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí được cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước theo quy định của Luật phí và lệ phí. Tổ chức thu phí, lệ phí bao gồm cơ quan nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí, lệ phí theo quy định của Luật phí và lệ phí.
Kê khai thu phí và lệ phí đối với từng đối tượng
Thứ hai là quy định cụ thể về kê khai thu phí và lệ phí đối với từng đối tượng.
Theo quy định của Luật Phí và lệ phí, có 4 cơ quan là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quy định về phí, lệ phí. Do vậy, để bảo đảm việc kê khai nộp phí, lệ phí của người nộp phù hợp với thực tế từng khoản thu, Nghị định 120/2016/NĐ-CP đã quy định: “Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh theo quy định. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp”.
Như vậy, theo quy định này thì khi các cơ quan ban hành văn bản quy định thu từng khoản phí, lệ phí sẽ quy định cụ thể việc kê khai, thu, nộp phí, lệ phí phù hợp. Điều này sẽ bảo đảm tính rõ ràng, công khai, minh bạch trong kê khai, thu nộp phí, lệ phí, tính linh hoạt, hiệu quả trong quản lý phí, lệ phí.
Ngoài ra, nhằm thực hiện quy định toàn bộ khoản thu từ lệ phí phải nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015, Nghị định đã quy định rõ, tổ chức thu lệ phí thực hiện nộp toàn bộ tiền lệ phí thu được vào ngân sách Nhà nước, thực hiện kê khai, nộp lệ phí theo tháng, quyết toán lệ phí năm theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
Nghị định cũng nêu rõ, định kỳ hàng ngày; tuần hoặc tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí thu được vào Tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước, căn cứ số tiền phí thu được và khoảng cách địa lý giữa tổ chức thu với Kho bạc Nhà nước, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định định kỳ ngày; tuần hoặc tháng tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong kỳ vào Tài khoản phí chờ nộp ngân sách.
Tổ chức thu phí thực hiện kê khai tiền phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và nộp tiền phí phải nộp vào ngân sách Nhà nước, sau khi trừ số tiền phí được để lại.
Riêng đối với khoản phí có tính đặc thù như phí sử dụng đường bộ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu phí, lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đồng tiền thu nộp phí, lệ phí
Thứ ba, quy định rõ đồng tiền thu nộp phí, lệ phí. Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong quy định pháp luật về quản lý thuế và phù hợp với tình hình thực tế, Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định rõ, phí, lệ phí thu tại Việt Nam bằng đồng Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật quy định được thu phí, lệ phí bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Trường hợp quy định thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi thì được thu bằng ngoại tệ hoặc thu bằng đồng Việt Nam trên cơ sở quy đổi từ ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá.
Quy định về đồng tiền nộp phí, lệ phí và các trường hợp cụ thể xác định tỷ giá ngoại tệ quy đổi vừa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong thu nộp phí, lệ phí có liên quan tới ngoại tệ, vừa tạo thuận lợi cho người nộp phí, lệ phí và tổ chức thu phí, lệ phí khi thu nộp phí, lệ phí tại nơi mở tài khoản.
Ngoài ra, việc quy định cụ thể từng trường hợp áp dụng từng loại tỷ giá quy đổi còn góp phần tạo tính công khai, minh bạch, rõ ràng trong thực hiện quản lý thu phí, lệ phí; tạo thuận lợi và giảm chi phí, thủ tục cho người nộp và tổ chức thu nộp, đẩy nhanh công tác thu nộp phí, lệ phí vào ngân sách Nhà nước.
Ba trường hợp được quản lý, sử dụng phí
Thứ tư, làm rõ 3 trường hợp quản lý và sử dụng phí. Quy định hiện hành về quản lý và sử dụng phí được nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, cơ quan Nhà nước được thu phí bao gồm cả cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp.
Tổ chức thu phí được để lại một phần tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ thu phí, một số đơn vị đặc thù không cung cấp dịch vụ công nhưng được ủy nhiệm giao thu phí dịch vụ công.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể trường hợp cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định cơ quan Nhà nước được khoán chi ở cấp Trung ương và địa phương.
Để khắc phục hạn chế trên, Nghị định 120/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể 3 trường hợp quản lý và sử dụng phí. Đó là, phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan Nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách Nhà nước, trường hợp cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định, phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách Nhà nước.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo tỷ lệ xác định phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách Nhà nước.
Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Số tiền phí được để lại là doanh thu của tổ chức thu phí.
Việc sử dụng số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí được quy định cụ thể cho từng khoản chi thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan nhà nước), chi thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập); khoản chi không thực hiện chế độ tự chủ (đối với cơ quan nhà nước), chi nhiệm vụ không thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập).
Có thể thấy, chính sách phí, lệ phí là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc duy trì và bảo đảm các hoạt động dịch vụ công. Chính sách phí, lệ phí gắn liền với các thủ tục hành chính và có tác động lớn đến kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc ban hành Nghị định 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí bảo đảm tính công khai, minh bạch trong chính sách và quản lý phí, lệ phí.
Việc quy định cụ thể trường hợp cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động; trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định cơ quan Nhà nước được khoán chi ở cấp Trung ương, địa phương phù hợp với thực tiễn và xu hướng phân cấp quản lý hành chính và phân cấp kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả điều tiết vĩ mô nền kinh tế, thực hiện quản lý và kiểm soát có hiệu quả hơn các hoạt động kinh tế - xã hội theo khuôn khổ của pháp luật, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, tạo nguồn thu cho địa phương gắn với chức năng quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương…
Nguồn: chinhphu.vn