menu search
Đóng menu
Đóng

Đề xuất giảm thuế linh kiện ôtô: Tạo lực đẩy cho ngành CN ôtô Việt Nam

08:42 30/08/2017

Vinanet - Hai phương án giảm thuế suất thuế nhập khẩu (NK) đối với linh kiện ôtô NK đang được Bộ Tài chính đưa ra xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp (DN). Đây là tin vui cho các DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và được kỳ vọng tạo lực đẩy cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Tháo "nút thắt" về thuế
Một trong những lo ngại mà các DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đề cập tới các cơ quan chức năng trong nhiều buổi hội thảo, làm việc về phát triển công nghiệp ôtô là chính sách thuế đang có lợi cho xe NK khi thị trường mở cửa vào năm 2018. Lúc đó, thuế NK xe nguyên chiếc về 0%, trong khi các DN sản xuất ôtô hiện vẫn phải thực hiện thuế NK linh kiện ôtô từ 10-30%, tùy từng chi tiết.
Từ những kiến nghị của các DN, Bộ Tài chính đã có những tính toán và đưa ra hai phương án cũng như lấy ý kiến về giảm thuế linh kiện ôtô NK. Đó là, giảm về 0% trong 5 năm (từ 2018-2022) cho hai dòng xe chính là xe chở người dưới 9 chỗ và xe tải nhỏ. Cụ thể, giảm thuế suất thuế NK của 163 dòng thuế linh kiện về 0%, đưa mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% hiện nay xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Phương án 2, giảm thuế suất thuế NK của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 2 nhóm xe từ các mức 3%, 5%, 10%, 15% 18%, 20%, 25%, 30%, 32%, 45%, 50% xuống 0%; và giảm thuế suất của 42 dòng thuế thuộc nhóm 8708 (bộ phận và phụ kiện của xe ôtô) để lắp ráp cho 2 nhóm xe nêu trên từ các mức 15%, 20% và 25% xuống 10%. Ở phương án này, mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện được giảm từ 14-16% xuống 9-11% đối với xe dưới 9 chỗ; 7,9% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Kỳ vọng tăng nội địa hóa
Đi cùng với phương án giảm thuế NK linh kiện, Bộ Tài chính cũng đưa ra những điều kiện cụ thể (tăng dần theo từng năm, từ 2018-2022) đối với các DN sản xuất, lắp ráp ôtô muốn được hưởng mức giảm thuế NK. Đó là phải bảo đảm tỷ lệ tăng trưởng hàng năm, sản lượng chung tối thiểu, sản lượng tối thiểu mỗi xe và tỷ lệ nội địa hóa.
Như vậy, với những DN ôtô không tính đến chiến lược dài hạn về tăng cường sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam mà chỉ trông chờ vào NK, bán xe thương mại thì những đề xuất mới về thuế NK linh kiện ôtô của Bộ Tài chính thực sự là rào cản lớn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường ôtô.
Theo các chuyên gia kinh tế, phương án giảm thuế NK linh kiện ôtô của Bộ Tài chính là đòn bẩy quan trọng trong nỗ lực thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, khuyến khích DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước giảm chi phí, giảm giá, gia tăng cạnh tranh với xe NK và khuyến khích DN sản xuất các sản phẩm chủ lực để xuất khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận ôtô giá hợp lý; góp phần ổn định việc làm và thu nhập của hàng chục ngàn lao động trong ngành công nghiệp ôtô; thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần cải thiện cán cân thương mại.
Tuy nhiên, cũng còn những ý kiến băn khoăn rằng, với những phương án kể trên, sẽ không có nhiều DN ôtô đủ tiêu chuẩn để được hưởng lợi từ chính sách này, nhất là với những DN. Vì thế, sẽ khiến thu hẹp số lượng DN sản xuất, lắp ráp xe, thậm chí tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng.
Một đại diện của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam đề xuất, chính sách thuế về linh kiện NK nên được áp dụng đồng bộ cho các hãng xe và các mẫu xe đang lắp ráp tại Việt Nam. Ngoài ra, khi thuế NK xe về 0% thì thuế NK linh kiện cũng phải về 0% ở mọi đối tượng thì mới tạo sự công bằng và sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Theo Bộ Tài chính, nếu thực hiện phương án 1, tổng số thuế NK sẽ giảm 5.231 tỷ đồng trong cả giai đoạn; thuế thu nhập DN thu được do tăng sản lượng là 535 tỷ đồng. Với phương án 2, con số này lần lượt là 3.505 tỷ đồng và 535 tỷ đồng.
Nguồn: Duy Minh/Báo Công Thương điện tử