Theo đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan.
Cụ thể, dự thảo nêu rõ: Chế độ ưu tiên thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Hải quan; được cơ quan hải quan và các cơ quan kinh doanh cảng, kho bãi ưu tiên làm thủ tục giao nhận hàng hóa trước, ưu tiên kiểm tra giám sát trước.
Những ưu tiên mới được đề xuất bổ sung là: Được ưu tiên trong việc kiểm tra chuyên ngành; được ưu tiên về thủ tục hải quan; được ưu tiên về kiểm tra sau thông quan.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện để được áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu.
Đối với quy định tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế, dự thảo nêu rõ: Doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian 02 năm liên tiếp trở về trước tính đến ngày đánh giá; doanh nghiệp đang hoạt động tại địa chỉ trụ sở đăng ký.
Trong thời gian 02 năm liên tiếp trở về trước tính đến ngày đánh giá, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi sau: Xử lý về các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế; hành vi vi phạm hành chính về thủ tục hải quan; về kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; vi phạm các quy định pháp luật khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh với mức tiền xử phạt không vượt quá thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và chức danh tương đương, đồng thời không bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như thu hồi Giấy phép, tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vi phạm, buộc tiêu hủy, buộc tái xuất, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm…
Trong thời gian 02 năm liên tiếp trở về trước tính đến thời điểm đánh giá, doanh nghiệp không bị xử lý về các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động gia công, sản xuất hàng xuất khẩu: Bán nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm vào nội địa nhưng không khai hải quan; kê khai sản phẩm xuất khẩu không đúng quy định và không đúng thực tế; khai báo không đúng về điều kiện theo quy định của pháp luật để được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Đồng thời doanh nghiệp phải hợp tác với cơ quan hải quan trong việc cung cấp thông tin phục vụ đánh giá tuân thủ pháp luật; doanh nghiệp không còn nợ thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đánh giá.
Bổ sung điều kiện để được áp dụng chế độ ưu tiên đối với đại lý hải quan
Đối với điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế, dự thảo nêu rõ, trong thời gian 24 tháng liên tục tính đến ngày Tổng cục Hải quan nhận được văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, Đại lý hải quan đáp ứng đủ các điều kiện sau đây được đánh giá là tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế.
Cụ thể: Không bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; có số tờ khai bị xử phạt vi phạm về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và thuế chiếm tỷ lệ dưới 1% so với tổng số tờ khai hải quan đã làm thủ tục hải quan; không bị xử phạt về các hành vi vi phạm hành chính với hình thức, mức tiền bị xử phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và cấp tương đương.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hải quan của Đại lý hải quan không vi phạm các quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế tới mức bị xử lý về các hành vi dưới đây: Hành vi trốn thuế; gian lận thuế; buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hành vi vi phạm hành chính có hình thức, mức xử phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và cấp tương đương; không nợ thuế quá hạn theo quy định…
Nguồn: chinhphu.vn