menu search
Đóng menu
Đóng

Giảm 30% thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục vào năm 2020

07:00 07/09/2018

Vinanet - Việc loại bỏ các hoạt chất trên sẽ không gây các tác động tiêu cực nào trong việc quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do các sản phẩn này đều có các giải pháp thay thế an toàn hiệu quả hơn.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định loại bỏ các sản phẩm có chứa hoạt chất: acephate, diaziuon, malathion, zinc phosphide ra khỏi Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loại bỏ 3 hoạt chất là fipronil, chlorpytifos và glyphosate.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc loại bỏ các hoạt chất trên sẽ không gây các tác động tiêu cực nào trong việc quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do các sản phẩn này đều có các giải pháp thay thế an toàn hiệu quả hơn.
Riêng hoạt chất glyphosate, liên quan đến Công ty hóa chất Mỹ Monsanto, trong bối cảnh một tòa án Mỹ mới đây ra phán quyết yêu cầu nhà sản xuất này bồi thường hàng trăm triệu USD vì không cảnh báo khách hàng về nguy cơ gây ung thư từ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất này, Cục tiếp tục thu thập thêm các bằng chứng và xây dựng báo cáo chi tiết để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện đã có 36 nước (trong đó có EU) có xu thế sẽ cấm hoạt chất này.
“Đây là vấn đề cần thận trọng nhưng quan điểm của Cục quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân nên sẽ tham mưu cấm sử dụng hoạt chất này”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Ông Hoàng Trung cho biết, không phải chỉ bây giờ chúng ta mới có động thái loại bỏ hoạt chất glyphosate. Năm 2015, khi các nước trong khối EU có đưa ra những nghiên cứu, bằng chứng về hoạt chất này gây ung thư, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không cho phép khảo nghiệm, đăng ký thêm.

Hoạt chất glyphosate hiện đang được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam, với 106 tên thương phẩm của 14 doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh. Glyphosate được sử dụng khá phổ biến bởi sự tiện lợi, hiệu quả và giá thành thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại. Trong những năm qua, lượng glyphosate sử dụng ở Việt Nam rất lớn, mỗi năm khoảng 30.000 tấn.
Hiện cả nước đang có 77 hoạt chất thuốc trừ cỏ đang được phép sử dụng. Do đó, những giải pháp thay thế hoạt chất glyphosate là hoàn toàn có và không ảnh hưởng gì trên thị trường, ông Hoàng Trung cho hay.
Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, một nền nông nghiệp sạch. Định hướng của Chính phủ, ngành nông nghiệp là sản xuất sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trả lại môi trường trong sạch trong nông nghiệp. Ngành không khuyến khích người dân sử dụng hay quá lạm dụng các biện pháp hóa học mà khuyến khích sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.
Đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu loại bỏ 30% số lượng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật đang có trong danh mục. Đó là các thuốc độc nhóm 1, 2; ảnh hưởng sức khỏe con người; ảnh hưởng môi trường, tính hiệu quả sinh học thấp.
Cùng với đó là khuyến kích việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đến 2020, 30% số lượng sản phẩm là thuốc sinh học. Do đó, ngành nông nghiệp đang rất khuyến khích các doanh nghiệp, nông dân đầu tư và nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Hiện nay, Việt Nam đã có 21% số lượng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường là sản phẩm sinh học. Mục tiêu tăng 9% số lượng sản phẩm bảo vệ thực vật sinh học từ nay đến năm 2020 là hoàn toàn khả thi, bởi số lượng sản phẩm đang xin khảo nghiệm, đăng ký đã vượt con số này, ông Hoàng Trung cho biết.