Ông Hà Hữu Phái - Trưởng đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tại Hà Nội - cho biết, niên vụ 2017 - 2018, sản lượng đường thế giới tăng cao, dự kiến thừa 4,6 triệu tấn so với nhu cầu.
Đặc biệt, tại Thái Lan - một trong những quốc gia xuất khẩu đường lớn - do thời tiết thuận lợi nên lượng đường niên vụ 2017 - 2018 có thể đạt kỷ lục 12 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với vụ trước, gây áp lực về đường nhập khẩu và đường lậu tràn sang Việt Nam. Trong khi đó, tại Việt Nam, do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nên sản lượng mía niên vụ này kém, chất lượng thấp, chi phí sản xuất tăng khiến giá đường khó cạnh tranh. Chưa kể, theo các cam kết quốc tế, đến năm 2018, mức thuế cho ngành mía đường sẽ về 0%. Khi đó đường nội càng khó cạnh tranh với đường nhập khẩu.
Để bảo vệ doanh nghiệp (DN) sản xuất đường trong nước, mới đây, VSSA đã có công văn gửi Chính phủ và các bộ, ngành đề xuất xem xét vẫn áp thuế cho mặt hàng đường nhập khẩu trong khoảng 3 - 5 năm tới, bởi đường và gạo là 2 mặt hàng nhạy cảm, cần có cơ chế riêng chứ không thể coi như các loại hàng hóa khác. Hoặc có thể bỏ hạn ngạch nhập khẩu theo đúng cam kết hội nhập và vẫn áp thuế đường nhập khẩu 5% trong vài năm đầu. Đây là thời gian để DN đường trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Nguồn: baocongthuong.com.vn