menu search
Đóng menu
Đóng

Kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

16:04 18/07/2016

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư 09/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thông tư nêu rõ việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về quản lý tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài; bảo đảm quá trình đầu tư của dự án được tuân thủ theo các quy định của pháp luật, qua đó đảm bảo mục tiêu và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; phát hiện những vấn đề bất hợp lý, các vi phạm trong việc tổ chức thực hiện để kịp thời chấn chỉnh hoặc kiến nghị việc điều chỉnh pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài thực hiện theo nguyên tắc đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục và trên cơ sở quy định pháp luật; không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi đối tượng, thời gian và nội dung kiểm tra; phối hợp trong theo dõi, kiểm tra, đánh giá; công khai, minh bạch, không gây cản trở, ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang trong quá trình theo dõi, kiểm tra và đánh giá.

Nội dung kiểm tra tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài gồm: Tiến độ góp vốn điều lệ, vốn đầu tư; tình hình góp vốn pháp định (đối với ngành có quy định vốn pháp định); tổng vốn đầu tư thực tế so với tổng vốn đầu tư đăng ký; Tiến độ triển khai dự án; việc thực hiện các mục tiêu đầu tư của dự án; việc thực hiện và chuyển giao công nghệ theo cam kết của dự án (Nội dung công nghệ, hiệu quả chuyển giao công nghệ, việc lắp đặt máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư); việc thực hiện các cam kết và đáp ứng điều kiện đầu tư, đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của nhà đầu tư khi dự án đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước...); việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động; thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang bảng lương; đăng ký nội quy lao động với cơ quan có thẩm quyền; việc thực hiện các chế độ, chính sách về hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác như: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn,... đối với người lao động; việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; việc thực hiện các quy định về xuất nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng cho người lao động trong và ngoài nước.

Đồng thời kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về: đất đai, thuê đất, sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường; Tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ có 3 hình thức kiểm tra gồm: Kiểm tra định kỳ được tiến hành trên cơ sở kế hoạch kiểm tra hàng năm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Kiểm tra đột xuất; Kiểm tra chuyên ngành.

Nguồn: chinhphu.vn