menu search
Đóng menu
Đóng

Nghị định mới về các biện pháp phòng vệ thương mại chính thức có hiệu lực

09:32 30/01/2018

Vinanet - Ngày 15 tháng 01 năm 2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 10/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (Nghị định PVTM). Nghị định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày ký, tức là ngày 15 tháng 01 năm 2018.

Trước đó, Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 03 ngày 12 tháng 6 năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Nhằm thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Quản lý ngoại thương theo Quyết định số 1236/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính Phủ, Nghị định PVTM mới gồm có 7 Chương, 96 Điều, cụ thể như sau :

Chương 1: Những quy định chung

Chương 2: Điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

Chương 3: Điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ

Chương 4: Rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Chương 5: Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Chương 6: Xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Chương 7: Điều khoản thi hành

Căn cứ khoản 2 Điều 67 của Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thực thi biện pháp PVTM thông qua 03 công cụ chính là biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và tự vệ. Nghị định gồm những nhóm nội dung chính:

(1) Quy định về xác định hành vi và điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ

Nghị định quy định chi tiết về các phương pháp tính toán biên độ bán phá giá, tính toán giá trị trợ cấp; giá thông thường, giá xuất khẩu và phương pháp so sánh công bằng giữa giá thông thường và giá xuất khẩu làm cơ sở để tính toán mức thuế chống bán phá giá. Ngoài ra, Nghị định quy định rõ cách xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước cũng như mối quan hệ nhân quả giữa các hành vi bán phá giá, trợ cấp hoặc nhập khẩu quá mức đó đối với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Nghị định cũng quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thời hạn nộp Hồ sơ yêu cầu, điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và tự vệ nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý thực thi hiệu quả. So với các văn bản pháp luật trước đây bị thay thế, Nghị định được xây dựng phù hợp hơn nhằm tuân thủ triệt để các cam kết của WTO và dỡ bỏ một số vướng mắc trên thực tế phát sinh

(2) Rà soát việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ

Nội dung của rà soát được quy định tại Chương IV của Nghị định, trong đó quy định chi tiết nội dung rà soát, điều kiện nộp hồ sơ yêu cầu rà soát cho từng biện pháp và trình tự thủ tục điều tra rà soát việc áp dụng các biện pháp kể từ khi có quyết định áp dụng chính thức. Các văn bản pháp luật trước đây chỉ dừng lại ở nguyên tắc được tiến hành rà soát và thời hạn rà soát chung, chưa đảm bảo được tính rõ ràng cụ thể khi muốn tiến hành rà soát.

(3) Quy định về các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ

Đây là nội dung mới hoàn toàn so với các Nghị định trước đây. Nghị định quy định về biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại tại Chương V nhằm tạo ra cơ sở pháp lý đảm bảo việc thực thi hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, khi hàng hóa xuất khẩu một quốc gia bị áp dụng biện pháp PVTM, các nhà sản xuất xuất khẩu của quốc gia đó sẽ thông qua một vài hành vi nhất định nhằm lẩn tránh quyết định áp thuế.

(4) Quy định về các biện pháp áp dụng, miễn trừ áp dụng và theo dõi kiểm soát hàng hóa thuộc đối tượng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Nghị định PVTM quy định và hướng dẫn chi tiết về các biện pháp áp dụng, miễn trừ áp dụng biện pháp cũng như theo dõi kiểm tra hàng hóa thuộc đối tượng điều tra áp dụng, cụ thể như sau:

(i) Quy định cụ thể về biện pháp áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và thuế tự vệ (gồm có nội dung Quyết định áp thuế, thời hạn áp thuế và phương pháp hoàn trả thuế cho từng trường hợp cụ thể);

(ii) Quy định về cam kết loại trừ bán phá giá, trợ cấp như các trường hợp hủy bỏ cam kết, xử lý vi phạm cam kết cũng như trình tự thủ tục thực hiện;

(iii) Quy định về biện pháp tự vệ dưới thức áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan;

(iv) Quy định về thuế chống lẩn tránh biện pháp PVTM;

(v) Quy định về miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM; và

(vi) Quy định về biện pháp khai báo nhập khẩu để kiểm soát hàng hóa bị điều tra, áp thuế trong quá trình điều tra nhằm mục đích áp dụng hồi tố.

(5) Xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Đây là quy định lần đầu tiên được đưa vào nội luật tại Điều 76 Luật Quản lý ngoại thương về trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ trong việc xử lý các biện pháp PVTM áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường nước ngoài và được quy định chi tiết tại Chương VI Nghị định.

Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 150/2003/NĐ-CP ngày 8 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng nhập khẩu vào Việt Nam và Nghị định số 89/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Chi tiết Nghị định số 10/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, xem  tại đây.

Cục Phòng vệ thương mại

Cục Phòng vệ thương mại

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương