menu search
Đóng menu
Đóng

Nhật Bản điều chỉnh kế hoạch kiểm soát dư lượng kháng sinh thủy sản

09:31 19/10/2016

Từ ngày 13/9/2016, tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ tiêu CAP đối với lô hàng tôm và sản phẩm tôm giảm từ 100% xuống còn 30%.
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, thông qua Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và thông tin trên website của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã nhận được thông tin điều chỉnh về kế hoạch kiểm tra các chỉ tiêu Chloramphenicol (CAP), Sulfadiazine, Sulfamethoxazole, Furazolidone, Enrofloxacin của Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đối với các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Cụ thể, từ ngày 13/9/2016, tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ tiêu CAP đối với lô hàng tôm và sản phẩm tôm giảm từ 100% xuống còn 30%. Lý do là qua kết quả kiểm tra các lô tôm nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua không phát hiện chỉ tiêu này.
Bên cạnh đó, tăng tần suất kiểm tra lên 30% chỉ tiêu: Sulfamethoxazole (từ ngày 2/8/2016); Sulfadiazine (từ ngày 9/9/2016) đối với các lô hàng tôm. Lý do là thời gian vừa qua Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản phát hiện 1 lô hàng tôm có dư lượng Sulfamethoxazole trong tháng 8/2016; 1 lô tôm có dư lượng Sulfadiazine trong tháng 9/2016.
Ngoài ra, Cơ quan thẩm quyền Nhật Bản vẫn đang duy trì tần suất kiểm tra 100% các chỉ tiêu: Furazolidone, Enrofloxacin đối với các lô hàng tôm; CAP đối với lô hàng cá bò, mực.
Do đó, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản cập nhật và chủ động kiểm soát chặt chẽ dư lượng kháng sinh các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản.
Đồng thời, các Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng phổ biến cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản trên địa bàn phụ trách.
Nguồn: vasep.com.vn