menu search
Đóng menu
Đóng

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2016

15:32 31/05/2016

Bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, tăng phạt nặng đối với sử dụng thuốc cấm trong cây trồng…là những chính sách có hiệu lực kể từ tháng 6/2016
Bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 28/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 56/2014/NĐ-CP và 18/2012/NĐ-CP về việc bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự từ ngày 5/6/2016.
Theo đó, phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tới đây chỉ bao gồm: xe ôtô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự.
Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ, quy định cụ thể kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm) đối với xe ôtô cho phù hợp với từng đối tượng nộp phí.
Khẳng định việc thu phí đường bộ đối với xe máy đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh Phí, lệ phí, song Bộ Giao thông Vận tải cho rằng quá trình triển khai, cách thức thực hiện gặp nhiều bất cập, hạn chế.
Quy định mới về thời gian không tính hưởng phụ cấp ưu đãi nghề
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 26/2016/NĐ-CP về chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện và cơ sở trợ giúp xã hội công lập sẽ có hiệu lực từ 01/6/2016.
Theo đó, quy định về thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề như sau:
- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP .
- Thời gian đi học tập ở trong nước liên tục trên 3 tháng, không trực tiếp làm chuyên môn theo nhiệm vụ được phân công đối với công chức, viên chức.
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.
- Thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Thời gian tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn từ 1 tháng trở lên.
- Thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác, làm việc không trực tiếp làm chuyên môn liên tục từ 1 tháng trở lên.
Được cho vay từ Quỹ BHXH
Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện thông qua các hình thức theo thứ tự ưu tiên như sau: Mua trái phiếu Chính phủ; Cho ngân sách nhà nước vay;
Gửi tiền; mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội vay theo hình thức mua trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do các ngân hàng này phát hành và đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nghị định 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 16/6.
Tăng phạt nặng đối với sử dụng thuốc cấm trong cây trồng
Từ ngày 25/6, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng. Hành vi sử dụng thuốc cấm đối với cây trồng sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng (mức phạt cũ chỉ từ 1 đến 3 triệu đồng).
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng hướng dẫn sử dụng; sau khi sử dụng không thu gom cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ra.
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, tùy theo khối lượng thuốc vi phạm; ngoài ra còn áp dụng hình phạt bổ sung đình hoạt động sản xuất, tịch thu tiêu hủy… Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có hiệu lực thi hành từ ngày 25/6 quy định.

Nguồn:Vinanet