menu search
Đóng menu
Đóng

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5

15:30 01/05/2018

Vinanet - Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5, như: Doanh nghiệp Nhà nước mua xe phải đấu thầu, giảm giá cước các mạng di động, tẩy xóa chứng từ kế toán bị phạt 5 triệu đồng...

Qui định mới về cước điện thoại di động

Thông tư 48/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, có hiệu lực từ ngày 1/5 quy định giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động được áp dụng như sau: Trường hợp gọi đến số thuê bao của nhà mạng Viettel, mạng di động gọi đi phải trả cho Viettel 400 đồng/phút.

Trường hợp gọi đến số thuê bao của các nhà mạng Mobifone, VinaPhone, VietnamMobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu, mạng di động gọi đi phải trả cho các nhà mạng này 440 đồng/phút. Trước đây, giá cước kết nối được quy định dao động từ 500 đồng đến 550 đồng/phút.

Đối với mạng điện thoại cố định nội hạt có cuộc gọi đến mạng di động thì phải trả cho nhà mạng di động 320 đồng/phút.

Doanh nghiệp Nhà nước mua xe phải qua đấu thầu

Khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (kể cả mua xe), doanh nghiệp Nhà nước cũng phải thực hiện đấu thầu là nội dung quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, có hiệu lực từ 1/5.

Cũng theo Nghị định, doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm…Đối với các dự án doanh nghiệp Nhà nước là chủ đầu tư đang triển khai hoặc xây dựng dang dở được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án.

Tẩy xóa chứng từ kế toán bị phạt đến 5 triệu đồng

Cũng có hiệu lực từ 1/5, Nghị định 41/2018 của Chính phủ quy định tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kế toán từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng đối với cá nhân, 60 triệu đồng lên 100 triệu đồng với tổ chức.

Hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn… bị phạt 3-5 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định phạt 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán không đúng thẩm quyền; chữ ký của một người không thống nhất…

Với hành vi không tổ chức bàn giao công tác khi thay đổi kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán bị phạt đến 10 triệu đồng.

Tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm bị phạt 100 triệu

Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi ngày 21/3/2018 bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm… mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức bị truy cứu hình sự, sẽ bị xử phạt 90-100 triệu đồng.

Hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt 40-50 triệu đồng. Riêng, hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt cao hơn trước rất nhiều, là 60-70 triệu đồng, thay vì chỉ từ 10-20 triệu đồng như trước. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/5.

Khách sạn 5 sao phải nộp 3,5 triệu đồng phí thẩm định

Theo Thông tư 34/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức thu phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với hạng 1 sao, 2 sao là 1,5 triệu đồng/hồ sơ; đối với hạng 3 sao là 2 triệu đồng/hồ sơ và đối với hạng 4 sao, 5 sao mức phí này là 3,5 triệu đồng/hồ sơ.

Mức phí thẩm định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch là 1 triệu đồng/hồ sơ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/5.

Cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

Quyết định 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Một số tổ chức tín dụng được cấp bù lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội. Ảnh: Tiến Tuấn.

Theo đó, các khoản cho vay được ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện: Đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng; đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích; là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.

Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016-2020.

Thời gian được cấp bù chênh lệch lãi suất bằng thời gian các khoản cho vay đối với khách hàng vay vốn được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Quyết định có hiệu lực từ ngày 20/5, áp dụng cho các khoản giản ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015.

Quy định mới về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực từ ngày 2/5/2018.

Theo đó, tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng những điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này, đơn cử như sau:

- Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;

- Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên;

- Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định;

- Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp;

- Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết vướng mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp…

Nghị định cũng quy định những hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm:

- Hàng hóa là thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm;

- Sản phẩm nội dung thông tin số.

Những trường hợp không được tham gia định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/5/2018.

Theo đó, người thuộc một trong các trường hợp sau thì không được tham gia định giá tài sản:

- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo.

- Đã tham gia định giá hoặc định giá lại tài sản đang được trưng cầu định giá.

- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó.

- Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

- Có căn cứ rõ ràng để chứng minh người đó không vô tư trong khi thực hiện định giá.

- Người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

Sửa đổi một số hướng dẫn về chi phí hợp lý trong thuế TNDN

Thông tư 25/2018/TT-BTC (có hiệu lực từ 01/5/2018) sửa đổi, bổ sung một số quy định về các khoản chi được trừ, không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cụ thể:

- Bổ sung thêm các khoản trích khấu hao tài sản cố định không được trừ đối với trường hợp DN nhận chuyển nhượng (một phần vốn hoặc toàn bộ DN).

- Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động vượt mức quy định hoặc không ghi cụ thể điều kiện được hưởng trong hồ sơ sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.

- Tăng mức chi được trừ khi tính thuế TNDN đối với các khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động,… lên tối đa 03 triệu đồng/tháng/người; nhưng phải đảm bảo yêu cầu sau:

+ Được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; …

+ Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc).

Hướng dẫn về các khoản chi đảm bảo thực hiện nghiệp vụ THADS

Thông tư 43/2018/TT-BQP quy định nội dung chi, mức chi bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ thi hành án, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự (THADS) trong quân đội, cụ thể:

- Chi thanh toán dịch vụ công cộng, mua vật tư, văn phòng phẩm gồm:

+ Trả tiền điện, nước, dịch vụ vệ sinh môi trường; mua xăng, dầu ô tô xe máy phục vụ công tác THADS; mức chi thực tế phát sinh trong thực hiện nhiệm vụ, tiền chi trả theo hóa đơn hoặc hợp đồng (nếu có).

+ Mua vật tư, văn phòng phẩm, trang thiết bị phục vụ công tác THADS, mức chi thực tế phát sinh trong thực hiện nhiệm vụ, tiền chi trả theo hóa đơn hoặc hợp đồng (nếu có).

- Chi tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, thẩm tra, đoàn đi công tác khảo sát, học tập kinh nghiệm về THADS:

+ Các đoàn đi trong nước: thực hiện mức chi theo quy định tại Điều 2 Thông tư 259/2017/TT-BQP ngày 17/10/2017.

+ Các đoàn đi nước ngoài: mức chi áp dụng theo Thông tư 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012.

Thông tư 43/2018/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 05/5/2018.

Không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối và trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước ASEAN

Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 04/2018/TT-BCT bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/5/2018.

Theo đó, không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với các mặt hàng muối và trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước ASEAN; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu D theo quy định của pháp luật hiện hành. Mã số hàng hóa của mặt hàng muối và trứng gia cầm quy định cụ thể như sau:

- Trứng gà (mã số 0407.21.00 và 0407.90.10); trứng vịt, ngan (mã số 0407.29.10 và 0407.90.20); loại khác (mã số 0407.29.90 và 0407.90.90) (Ghi chú: Trứng thương phẩm không có phôi).

- Muối (mã số 2501).

Đồng thời, việc nhập khẩu muối và trứng gia cầm từ các nước ASEAN không thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật về việc công bố lượng hạn ngạch thuế quan và quy định nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan muối và trứng gia cầm hàng năm.

Nguồn: VITIC tổng hợp

 

Nguồn:Vinanet