Đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, giảm chi phí thủ tục hành chính, không gây ảnh hưởng đến thu ngân sách, đồng thời quy định rõ lại việc xuất trình chứng từ khi đề nghị miễn thuế theo Điều ước quốc tế..., Bộ Tài chính đã tiếp thu các ý kiến góp ý và sửa đổi quy định này tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
Góp ý cho quy định xuất trình chứng từ khi miễn thuế theo Điều ước quốc tế tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần quy định rõ cơ quan đóng dấu sao y bản chính quy định tại điểm b, c khoản 5; tiết a1, a2 điểm a khoản 6 Điều 29a dự thảo Nghị định, khoản 3 Điều 30, khoản 2 Điều 31 dự thảo Nghị định.
Cũng góp ý cho nội dung này, Bộ Tư pháp cho rằng, dự thảo quy định nộp bản chụp và xuất trình bản chính Điều ước quốc tế để đối chiếu khi nộp hồ sơ đề nghị xác nhận miễn thuế theo danh mục hàng hóa miễn thuế tại Điều ước quốc tế. Tuy nhiên, theo điều 58 Luật Điều ước ước quốc tế, Bộ Ngoại giao là cơ quan có thẩm quyền lưu trữ bản chính Điều ước quốc tế nên cá nhân khó có thể có bản chính để đối chiếu khi nộp hồ sơ đề nghị xác nhận miễn thuế, đề nghị cân nhắc quy định này.
Còn theo Bộ Công Thương, tại khoản 16 Điều 1 dự thảo Nghị định quy định tổ chức, cá nhân có liên quan phải xuất trình bản chính Điều ước quốc tế để đối chiếu khi nộp hồ sơ miễn thuế lần đầu. Vì vậy, Bộ Tài chính cần trao đổi, thống nhất với Bộ Ngoại giao để áp dụng thống nhất về quy định này, đảm bảo tính khả thi và hợp lý của quy định.
Là đơn vị thực thi, Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu góp ý, dự thảo Nghị định cần bỏ quy định tại điểm b vì theo quy định tại điểm 2.b Điều 29a thì “tổ chức cá nhân sử dụng hàng hóa được miễn thuế thực hiện thông báo danh mục miễn thuế cho cơ quan Hải quan trước khi đăng ký tờ khai…”, nên việc cung cấp các hợp đồng bán hàng hoặc hợp đồng cung cấp hàng hóa theo kết quả đấu thầu chỉ phát sinh khi nộp hồ sơ miễn thuế; do đó, đơn vị đề nghị bổ sung quy định vào điểm 6.a Điều 29a. Ngoài ra, đề nghị hướng dẫn rõ: “bản chụp có đóng dấu sao y bản chính của cơ quan” là cơ quan nào? DN tự sao y bản chính có được không?
Tiếp thu các ý kiến góp ý, tại dự thảo Nghị định sửa đổi không quy định xuất trình bản chính để đối chiếu do bản chính trong nhiều trường hợp là mật hoặc chỉ Bộ Ngoại giao có.
Theo phân tích của ban soạn thảo, tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 134 quy định "Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại được miễn thuế nhập khẩu trong các trường hợp sau: Hàng mẫu, ảnh về hàng mẫu, phim về hàng mẫu, mô hình thay thế cho hàng mẫu có trị giá hải quan không vượt quá 50.000 đồng hoặc đã được xử lý để không thể được mua bán hoặc sử dụng, chỉ để làm mẫu". Do chưa quy định rõ giới hạn trị giá 50.000 đồng cho một lô hàng hay cho từng mặt hàng nên trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu 1 lô hàng mẫu gồm nhiều mặt hàng, trị giá mỗi mặt hàng dưới 50.000 đồng, nhưng trị giá của cả lô hàng trên 50.000 đồng thì đã phát sinh vướng mắc (không rõ sẽ được miễn thuế cho cả lô hàng hay cho từng mặt hàng).
Nội dung quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP đã phát sinh nhiều vướng mắc do các Điều ước quốc tế quy định về mọi lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế nên Bộ Ngoại giao không thể là đơn vị thẩm định được tính cần thiết, phù hợp của toàn bộ hàng hóa nhập khẩu theo các Điều ước quốc tế vì vậy, trên thực tế, Bộ Tài chính phải xin ý kiến thẩm định của các Bộ chuyên ngành. Đối với các dự án lớn không thể xác định ngay một lần chủng loại, định lượng hàng hóa miễn thuế cho toàn bộ dự án mà phải thực hiện phê duyệt theo năm hoặc theo hạng mục, gói thầu... và mỗi lần đều phải xin ý kiến các bộ, ngành, Bộ Ngoại giao và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nên đã làm tăng thủ tục hành chính do thời gian giải quyết miễn thuế kéo dài, ảnh hưởng tiến độ dự án và chưa thống nhất với quy định của pháp luật quản lý thuế.
Liên quan đến nội dung này, Bộ Tài chính đã có công văn số 1592/BTC-TCHQ ngày 7/2/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định chủng loại và định lượng hàng hoá miễn thuế đối với trường hợp Điều ước quốc tế không quy định cụ thể chủng loại, định lượng miễn thuế trên cơ sở thống nhất với Bộ Ngoại giao.
Do vậy, để bảo đảm thuận lợi và cơ sở pháp lý trong thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung Điều 29a về miễn thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo Điều ước quốc tế theo hướng giao Bộ Tài chính xem xét quyết định chủng loại, định lượng hàng hoá miễn thuế trong trường hợp Điều ước quốc tế không quy định cụ thể định lượng và chủng loại hàng hoá miễn thuế (theo nội dung Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1592/BTC-TCHQ) đồng thời quy định về thủ tục miễn thuế theo hướng: Trường hợp có hệ thống công nghệ thông tin kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia thì việc tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước và của Bộ Tài chính với tổ chức, cá nhân phải được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Quy định này nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN mà Bộ Tài chính được giao chủ trì thực hiện theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP.
Theo đó, tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã bổ sung Điều 29a như sau: “ Miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Điều ước quốc tế: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Cơ sở để xác định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là số lượng, chủng loại, trị giá hàng hóa được quy định cụ thể tại Điều ước quốc tế.
Trường hợp Điều ước quốc tế không quy định cụ thể chủng loại, định lượng miễn thuế, trên cơ sở văn bản xác nhận của Bộ chủ quản về số lượng, chủng loại, trị giá hàng hóa nhập khẩu miễn thuế theo Điều ước quốc tế, Bộ Tài chính xem xét quyết định chủng loại, định lượng hàng hóa được miễn thuế”.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định nguyên tắc thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế dự kiến NK như sau:
Trên cơ sở số lượng, chủng loại, trị giá hàng hóa được miễn thuế quy định tại Điều ước quốc tế hoặc văn bản đồng ý miễn thuế của Bộ Tài chính đối với trường hợp không quy định cụ thể chủng loại, định lượng miễn thuế tại Điều ước quốc tế, tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa được miễn thuế thực hiện thông báo Danh mục miễn thuế cho cơ quan hải quan theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 30 Nghị định này. Hàng hóa thuộc Danh mục miễn thuế phải phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực đầu tư, mục tiêu, quy mô, công suất của dự án hoặc phạm vi hoạt động sử dụng hàng hóa miễn thuế.
Tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa được miễn thuế thực hiện thông báo Danh mục miễn thuế cho cơ quan Hải quan trước khi đăng ký tờ khai hải quan của lô hàng hóa nhập khẩu miễn thuế đầu tiên.
Nguồn: Baohaiquan.vn