menu search
Đóng menu
Đóng

Sẽ có quy định mới về bảo lãnh, đặt cọc tiền thuế

08:58 24/05/2016

Hướng dẫn về bảo lãnh, đặt cọc tiền thuế phải nộp, tại dự thảo Nghị định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế XK, thuế NK sửa đổi đã quy định hàng hóa XK, NK thực hiện bảo lãnh số tiền thuế phải nộp theo một trong hai hình thức: bảo lãnh riêng hoặc bảo lãnh chung.

Cụ thể, tại Điều 27 dự thảo Nghị định quy định, bảo lãnh riêng là việc tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp số tiền thuế cho một tờ khai hải quan hàng hoá XK, NK.

Bảo lãnh chung là việc tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp số tiền thuế cho hai tờ khai hải quan hàng hoá XK, NK trở lên tại một hoặc nhiều Chi cục Hải quan. Bảo lãnh chung được trừ lùi, được khôi phục mức bảo lãnh tương ứng với số tiền thuế đã nộp.

Trường hợp tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh riêng hoặc bảo lãnh chung nhưng hết thời hạn bảo lãnh đối với từng tờ khai mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp (nếu có), thì tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ tiền thuế, tiền chậm nộp thay người nộp thuế.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể các điều kiện để được cơ quan Hải quan chấp nhận áp dụng bảo lãnh. Theo đó, nếu người nộp thuế phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Có hoạt động XK, NK tối thiểu 365 ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan cho lô hàng XK, NK.

Trong thời gian 365 ngày trở về trước kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan cho lô hàng XK, NK được cơ quan Hải quan xác định là: Không có trong danh sách đã bị xử lý về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới của cơ quan Hải quan; Không có trong danh sách đã bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế của cơ quan Hải quan;

Không quá hai lần bị xử lý về các hành vi vi phạm khác về hải quan (bao gồm cả hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu) với mức phạt tiền vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Không có trong danh sách còn nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Cùng với đó là điều kiện có Thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng ghi rõ số tiền thuế thực hiện bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh, cam kết với cơ quan hải quan liên quan về việc bảo đảm khả năng thực hiện và chịu trách nhiệm nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế khi hết thời hạn bảo lãnh nhưng người nộp thuế chưa nộp thuế.

Được biết, Bộ Tài chính hướng sẽ có hướng dẫn cụ thể về thư bảo lãnh, theo dõi xử lý bảo lãnh tiền thuế, đặt cọc tiền thuế.

Đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất quy định tại điểm đ khoản 9 Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK sửa đổi thì người nộp thuế thực hiện bảo lãnh hoặc đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền NK của hàng hóa tạm nhập: Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh: người nộp thuế thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo lãnh. Trường hợp đặt cọc tiền thuế: người nộp thuế nộp tiền đặt cọc vào tài khoản tiền gửi của cơ quan Hải quan tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng.

Nếu quá thời hạn tạm nhập người nộp thuế chưa tái xuất hàng hóa, cơ quan Hải quan nơi người nộp thuế đăng ký tờ khai kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực hiện thủ tục chuyển số tiền đặt cọc tương ứng với số thuế phải nộp từ tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan sang tài khoản thu ngân sách nhà nước.

Việc hoàn trả tiền đặt cọc nộp thừa (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Nguồn: baohaiquan.vn

Tags: thuế