Theo đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ban, ngành liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu heo và các sản phẩm của heo từ nước ngoài vào Việt Nam; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm heo bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới.
Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương. Nếu phát hiện heo bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả heo châu Phi; hoặc nghi là heo, sản phẩm heo nhập lậu trái phép, cần lấy mẫu gửi Chi cục Thú y địa phương hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Cục Thú y chủ động liên hệ với các tổ chức quốc tế (OIE, FAO), các nước để nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi; đề nghị hỗ trợ và phối hợp tìm các giải pháp chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh.
Ngoài ra, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu và địa bàn có nguy cơ cao.
Cục Thú y cũng được yêu cầu chỉ đạo các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển bất hợp pháp heo và các sản phẩm heo vào Việt Nam; theo dõi diễn biến dịch bệnh để kịp thời triển khai giải pháp để ngăn chặn sự xâm nhiễm của bệnh dịch vào Việt Nam.
Thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết, ngày 1/8, bệnh dịch tả heo châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever – viết tắt là ASF) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tính đến ngày 25/8, tổng cộng đã có 4 ổ dịch được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con.
Từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia, gồm Trung Quốc, Nga, Ba Lan, Séc, Hungary, Latvia, Moldova, Phần Lan, Romani, Nam Phi, Ucraina và Zambia báo cáo xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi.
Nguồn: Vietnambiz.vn