menu search
Đóng menu
Đóng

Tăng cường công tác quản lý thủy điện

08:48 12/04/2017

Vinanet - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và chấp hành quy định của pháp luật về thủy điện.
Chỉ thị của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18/2/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội Khóa XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội Khóa XIV về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 và ngày 16/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Theo Chỉ thị, Tổng cục Năng lượng chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quy hoạch thủy điện, kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, ảnh hưởng xấu tới môi trường và đời sống nhân dân. Chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng vận hành công trình thủy điện thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Công Thuơng trình Lãnh đạo Bộ ban hành. Chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện cần thực hiện đúng và đầy đủ những quy định về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập. Rà soát quy trình vận hành đơn hồ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đặc thù hồ chứa và hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện hạ du, đảm bảo hiệu quả phát điện, cấp nước cho hạ du vào mùa cạn và cắt/giảm/làm chậm lũ trong mùa lũ...
Bộ trưởng yêu cầu Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổng cục Năng lượng cũng như các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công trình thủy điện.
Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp cần phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn đập, đồng thời báo cáo và đề xuất lên lãnh đạo Bộ nhằm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp cũng cần tổ chức thanh tra, xử lý mọi hành vi vi phạm quy định về quản lý an toàn đập.
Cục Điều tiết điện lực có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện đảm bảo dòng chảy tối thiểu và điều tiết cấp nước hạ du của các hồ chứa thủy điện theo quy định. Song song với nhiệm vụ trên, Cục Điều tiết điện lực cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để các hồ chứa thủy điện tham gia hiệu quả và việc cắt/giảm/làm chậm lũ cho vùng hạ du.
Cũng theo chỉ thị số 04/CT-BCT, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần bố trí nhân lực có chuyên môn để giải quyết các công việc liên quan; phổ biến, hướng dẫn các chủ đập thủy điện về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn thủy điện. Song song với nhiệm vụ trên, các Sở Công Thương có chức năng thanh tra, xử lý mọi hành vi vi phạm quy định vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện; chủ động tham mưu, đề xuất lên UBND tỉnh.
Đối với các chủ đập thủy điện, Bộ trưởng giao nhiệm vụ thực hiện vận hành hồ chứa đúng quy định; thực hiện lắp đặt các thiết bị và tổ chức quan trắc, nhằm đảo bảo an toàn cho công trình, vùng hạ du và phát điện hiệu quả. Ngoài ra, các chủ đập thủy điện cần xây dựng, bổ sung các phương án phòng chống lụt bão và bảo vệ đập phù hợp với thực tế.
Nguồn: Nhật Quang/Báo Công Thương điện tử