Nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đối với chủ đầu tư, bên mời thầu phải thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm của mình, bảo đảm tổ chức lựa chọn nhà thầu hiệu quả, nhanh chóng theo đúng quy định.
Cụ thể, phải đảm bảo công khai, minh bạch toàn bộ quá trình phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT)/hồ sơ yêu cầu (HSYC), tiếp nhập hồ sơ dự thầu (HSDT)/hồ sơ đề xuất (HSĐX); nghiêm cấm mọi hành vi cản trở nhà thầu trong việc mua HSMT/HSYC và nộp HSDT/HSĐX; quán triệt và tập trung chỉ đạo chấn chỉnh ngay công tác đấu thầu bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả cao nhất.
Chủ đầu tư, bên mời thầu phải công khai thông tin trong đấu thấu. Cụ thể thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin trong đấu thầu theo đúng quy định. Để bảo đảm công khai, minh bạch tối đa các thông tin trong công tác đấu thầu gắn với trách nhiệm của bên mời thầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu tự đăng tải các thông tin thuộc trách nhiệm của mình theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Các thông tin này sẽ được tự động trích xuất, đăng tải trên Báo Đấu thầu.
Về lựa chọn nhà thầu qua mạng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiêm túc thực hiện lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng theo Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 và Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC.
Tuyệt đối không cho phép chỉ định thầu với những gói thầu không đủ điều kiện
Chỉ thị nêu rõ đơn vị thẩm định phải hoạt động độc lập khi tiến hành thẩm định, bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng. Khi thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị thẩm định căn cứ quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC để chủ động đề xuất áp dụng đấu thầu qua mạng đối với những gói thầu đủ điều kiện; tuyệt đối không cho phép chỉ định thầu đối với những gói thầu không đáp ứng điều kiện tại Điều 22 Luật Đấu thầu, đồng thời chủ động đề xuất các hình thức lựa chọn nhà thầu có tính cạnh tranh hơn đối với những gói thầu có thể chỉ định thầu nhưng áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác sẽ hiệu quả hơn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người có thẩm quyền chỉ đạo chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan thẩm định thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đấu thầu.
Nghiêm cấm việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư/bên mời thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Người có thẩm quyền tự quyết định và chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền...
Chú trọng kiểm tra những gói thầu lớn
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị quản lý công tác đấu thầu tại Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải đảm bảo thực hiện tốt trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo đảm yêu cầu chất lượng hoạt động đấu thầu, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu quy mô lớn, phức tạp, các gói thầu không nằm trong hạn mức nhưng áp dụng chỉ định thầu hoặc các gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chuyên sâu về công tác đấu thầu; thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm toàn diện đối với hiệu quả công tác quản lý về đấu thầu; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giải quyết triệt để, khẩn trương các kiến nghị; thường xuyên nắm bắt thông tin, tổ chức kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Bộ trưởng các bộ, người đứng đầu các ngành; Chủ tịch UBND các cấp; người đứng đầu các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp để xảy ra vi phạm trong quản lý theo thẩm quyền.
Nguồn: Baohaiquan.vn