Theo đó, tổng thời gian thực hiện các bước đối với cơ quan quản lý nhà nước tối đa là 15 ngày (đối với một số địa phương có thể gộp các bước thì thời gian thực hiện ngắn hơn), các đơn vị điện lực là 10 ngày.
Điểm đáng chú ý trong Thông tư 24 là khách hàng, doanh nghiệp chỉ cần bổ sung, điều chỉnh trong hợp phần Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV đối với các công trình đấu nối có tổng dung lượng từ 2.000 kVA trở lên. Còn đối với các công trình trạm biến áp trung áp có tổng dung lượng từ 2.000 kVA trở xuống, đơn vị phân phối điện thực hiện thỏa thuận đấu nối với khách hàng và báo cáo cơ quan quản lý quy hoạch theo định kỳ 6 tháng và 1 năm để theo dõi và giám sát quản lý quy hoạch (chuyển thành hậu kiểm).
Theo quy định trước đây, các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu xây dựng các trạm biến áp riêng đột xuất phải làm thủ tục bổ sung quy hoạch cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trước khi tiến hành thỏa thuận đấu nối với đơn vị phân phối điện. Tuy rằng thời gian này không tính vào thời gian tiếp cận điện năng nhưng điều này giúp các khách hàng có trạm biến áp riêng có tổng dung lượng nhỏ hơn 2.000 kVA mất nhiều thời gian để làm hồ sơ và trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Theo quy định mới, thời hạn cho đơn vị phân phối điện thực hiện thỏa thuận và ký Thỏa thuận đấu nối là 04 ngày làm việc (bỏ bước thoả thuận thiết kế) và 6 ngày làm việc để thực hiện đóng điện chạy thử, nghiệm thu và đóng điện. Như vậy, thời gian làm thủ tục theo Thông tư 24 chỉ còn tối đa là 25 ngày (giảm được 3 ngày so với năm 2015 và 11 ngày so với năm 2014 tại Thông tư 33/2014/TT-BCT).
Chỉ số tiếp cận điện năng được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa vào đánh giá từ năm 2011 tại Báo cáo môi trường kinh doanh Doing Business 2012. Tại Việt Nam, sau khi WB đưa ra báo cáo Doing Business 2014 công bố năm 2013, chỉ số tiếp cận của Việt Nam đứng thứ 130, để cấp điện cho khách hàng đấu nối lưới điện trung áp cần 6 thủ tục, 115 ngày và chi phí so với thu nhập GDP bình quân là 1.726% thu nhập trung bình đầu người (trong khi đó, theo thực tế quy định của Việt Nam thì số lượng thời gian và thủ tục cần triển khai là 14 thủ tục và 132 ngày, không tính số ngày các công việc thuộc trách nhiệm của khách hàng như thiết kế, thi công); số thủ tục của Điện lực là 5 và thời gian thực hiện là 60 ngày.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngay từ năm 2014, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát các thủ tục và thời hạn giải quyết các bước trong việc tiếp cận điện năng của doanh nghiệp và khách hàng và ban hành Thông tư 33/2014/TT-BCT quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng trong đó quy định thời gian thực hiện các bước thuộc trách nhiệm của đơn vị điện lực giảm từ 55 ngày xuống còn 18 ngày, thời gian thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương giảm xuống 18 ngày. Sau khi ban hành thông tư này, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã có bước cải thiện vượt bậc. Theo đánh giá của WB nêu trong báo cáo Doing Bussiness 2015, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2016 là 108, đã được tăng 22 bậc (là một trong những nước có bước tăng cao nhất trong 10 chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia). Tuy nhiên, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã làm việc với WB để rà soát và đánh giá lại thì chỉ số tiếp cận điện năng thực tế của Việt Nam năm 2016 xếp thứ 101 (tăng 29 bậc).
Trong năm 2015, Bộ Công Thương đã tiếp tục rà soát đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục của các đơn vị phân phối điện, theo đó thực hiện thỏa thuận và ký thỏa thuận đấu nối (bỏ bước thoả thuận thiết kế) và thực hiện đóng điện chạy thử, nghiệm thu và đóng điện chỉ còn 10 ngày, giảm 8 ngày so với năm 2014 được quy định trong Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015. Theo báo cáo Doing Business 2017 công bố vào tháng 10/2016, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam xếp hạng thứ 96, đã tiếp tục tăng được 5 bậc so với 2015.
Có thể nói, việc ban hành Thông tư 24 là một trong những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Đồng thời tiếp tục cải thiện vị trí xếp hạng trong bảng chỉ số tiếp cận điện năng do WB công bố hàng năm.
Nguồn: Đình Dũng/Báo Công thương điện tử