Vinanet - Các công ty bảo hiểm hiện đang hoạt động theo phương thức chỉ thu phí bảo hiểm, không yêu cầu ký quỹ hoặc tài sản thế chấp do vậy, sẽ làm giảm nhẹ gánh nặng cho chủ đầu tư dự án và người tiêu dùng, HOREA cho biết.
Sau khi Thông tư 07 - NHNN chính thức ban hành và có hiệu lực vào ngày 1/7 tới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) đã có văn bản góp ý liên quan đến việc thực hiện quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Cụ thể, HOREA kiến nghị cho phép các công ty bảo hiểm có uy tín, có năng lực được quyền bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai tương tự như ngân hàng thương mại.
"Các công ty bảo hiểm hiện đang hoạt động theo phương thức chỉ thu phí bảo hiểm, không yêu cầu ký quỹ hoặc tài sản thế chấp do vậy, sẽ làm giảm nhẹ gánh nặng cho chủ đầu tư dự án và người tiêu dùng", đại diện HOREA lý giải.
Cũng theo HOREA, mặc dù Thông tư của NHNN đã có thể hạn chế được rủi ro trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng vấn đề về việc các chủ đầu tư bất động sản phải ký quỹ bảo lãnh hoặc phải có tài sản bảo đảm.
Do đó, HOREA đề nghị NHNN cho phép các ngân hàng thương mại xem xét các trường hợp chủ đầu tư dự án bất động sản có uy tín thương hiệu; có năng lực, đang triển khai thực hiện dự án đúng kế hoạch, tiến độ, và "tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh, bên được bảo lãnh không vi phạm trong quan hệ cấp tín dụng, thanh toán tại tổ chức tín dụng”.
HOREA cũng đề xuất Thông tư cần có thêm quy định chủ đầu tư dự án phải mở tài khoản tại ngân hàng thương mại bảo lãnh để nhận tiền thanh toán mua nhà, thuê mua nhà hình thành trong tương lai từ khách hàng; chi trả thi công theo tiến độ công trình... để giúp ngân hàng thương mại có thể giám sát dòng tiền.
Theo đại diện HOREA, điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư có uy tín, giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn và phân loại chủ đầu tư một cách rõ ràng.
Ngoài ra, trong công văn của HOREA cũng gửi đi kiến nghị cần làm rõ một số khái niệm và có hướng dẫn cụ thể hơn. Đặc biệt về khái niệm "bảo lãnh ngân hàng" (Khoản 1 điều 3) và "bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng" (điều 17).