Sau khi ít biến động trong tháng 9 và giảm 9% trong tháng 8, Vn-Index có thể lên mốc 622 điểm vào cuối năm nay, hay tăng 10% so với mức chốt phiên 28/9, theo đánh giá trung bình của 11 chuyên gia phân tích được Bloomberg khảo sát. Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là quý tăng mạnh nhất kể từ quý I/2014.
Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cho thấy các chính sách của Chính phủ đang giúp thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế 186 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam được coi là điểm sáng trong bối cảnh các thị trường khu vực chịu tác động tiêu cực do kinh tế Trung Quốc suy giảm.
Theo dự báo của ADB, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa sau của năm nhờ tiêu dùng cá nhân và đầu tư trực tiếp nước tăng, sản xuất tăng trưởng. Việt Nam đang hướng đến năm thứ 10 hút ròng FDI liên tiếp. GDP Việt Nam tăng 6,28% trong nửa đầu 2015, và được dự báo đạt 6,5% trong cả năm, cao hơn so với dự báo 6,1% trước đó.
Fiachra Maccana, giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu của HSC nhận định: “Chúng tôi giữ nguyên triển vọng lạc quan về thị trường do bức tranh kinh tế vĩ mô vẫn tích cực trong khi giá cổ phiếu vẫn tương đối rẻ”. Ông Maccana cũng giữ nguyên dự báo cho rằng VN-Index sẽ lên 650 điểm vào cuối năm nay. Năm 2013, chuyên gia này từng dự đoán VN-Index tăng 33%, và thực tế chỉ số này tăng 29% trước thời điểm cuối năm, chốt năm tăng 22%.
Kể từ đầu năm nay, VN-Index đã tăng 3,5%, tăng mạnh nhất trong các chỉ số chứng khoán châu Á và có P/E là 12,5 lần, so với P/E 14,3 lần của chỉ số MSCI Đông Nam Á.
Lạm phát giảm đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, trong khi đó, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 29% kể từ đầu năm. Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm giá tiền đồng cũng giúp thúc đẩy xuất khẩu. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đó là lý do Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng trong khu vực. Để khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã cho phép một số doanh nghiệp nới room của khối ngoại lên tối đa 100%, trong khi đó tiếp tục hoàn thiện kế hoạch sáp nhập 2 sàn chứng khoán, mở cửa thị trường phái sinh và nỗ lực trở thành thị trường mới nổi theo xếp hạng của MSCI.
Tính từ đầu năm đến ngày 25/9, khối ngoại mua ròng 174,3 triệu USD, trong khi khối ngoại hút ròng 2,9 tỷ USD khỏi chứng khoán Thái Lan và 857 triệu USD khỏi chứng khoán Philippines và 850 triệu USD từ chứng khoán Indonesia.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng không miễn nhiễm với đà suy giảm của Trung Quốc. Tiền đồng giảm giá làm tăng rủi ro chi phí đối với các doanh nghiệp vay nợ bằng USD. Các chuyên gia của Việt Nam dự đoán, lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước sẽ giảm 12% trong vòng 12 tháng tới.
Minh Phương
Theo Bloomberg