Dưới đây, BizLIVE ghi nhận ý kiến một số chuyên gia nhận định về việc lựa chọn kênh đầu tư có phần hấp dẫn với giới đầu tư hiện nay.
Bất động sản hiện hấp dẫn nhất!
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành:
Hiện nay kênh vàng, chứng khoán tỏ ra không hấp dẫn với nhà đầu tư bởi sụt trồi sụt liên tục. Gửi tiết kiệm thì lãi suất không hấp dẫn. Theo đó kênh hấp dẫn hiện nay chính là bất động sản bởi sự hồi phục của thị trường đang hiện hữu.
Nếu có khoảng 2 tỷ trong tay, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đầu tư kênh này và kỳ vọng mức sinh lời hấp dẫn. Cụ thể, nhà đầu tư có thể mua bất động sản rồi cho thuê lại, vốn hiện khá hấp dẫn tại TP.HCM. Nhưng ngay với kiểu đầu tư này thì nhà đầu tư cũng nên cân nhắc và tôi cho rằng không nên mua ở phân khúc giá cao mà nên mua phân khúc giá bình dân.
Ví dụ, với căn hộ 2 tỷ nhà đầu tư tối đa hiện chỉ cho thuê lại được với mức giá khoảng 10-15 triệu/tháng. Nhưng nếu với số tiền này, nhà đầu tư mua khoảng 3 căn giá tầm trên dưới 700 triệu/căn và cho thuê với giá hiện nay khoảng 6-7 triệu/tháng thì có thể thu về khoảng 18-20 triệu/tháng…
Bất động sản hiện nay đang có nhiều thông tin khá tốt
TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính:
Trước đây các kênh chúng ta thấy mang lại lợi nhuận cao là chứng khoán, bất động sản thì nay đã trở về mức bình thường. Khi nền kinh tế đi vào ổn định thì các kênh đầu tư có mức sinh lời gần như nhau.
Như chứng khoán thì chỉ nhích hơn tiết kiệm một chút chứ không còn lãi đột biến như trước. Nhiều nhà đầu tư chơi chứng khoán và thấy thất thất vọng bởi không còn lời “ngon”.
Kênh chứng khoán thì lại có diễn biến bất thường nhưng thực ra theo tôi không bất thường. Bởi đầu năm khi tình hình bất động sản, ngân hàng chưa thực sự khởi sắc thì cổ phiếu đã được đẩy giá lên cao, chỉ số VN-Index bật mạnh. Bây giờ thị trường điều chỉnh về mức khoảng 560 như hiện nay là hợp lý thôi. Nhưng điều này làm cho nhà đầu tư thấy trượt giảm mạnh, lỗ và hoang mang.
Về gửi tiết kiệm thì mức lãi suất khá thấp khoảng 6,5%, nhưng nếu so với lạm phát vẫn là cao. Tuy nhiên do tỷ giá có biến động bất thường làm cho người Việt Nam gửi tiền đồng lại lo tiền mất giá. Những người gửi kênh này đang khá phân vân, không phải về lãi suất thấp mà chính là sự biến động này nên họ chưa an tâm.
Còn kênh bất động sản hiện nay đang có nhiều thông tin khá tốt cho kênh này, đặc biệt là phân khúc trung và cao cấp. Có thể thấy kênh này có thể vừa giúp nhà đầu tư không vướng vào nỗi lo bị bất giá đồng tiền, lại vừa kỳ vọng về khoản lời cao từ thị trường đi lên.
Tuy nhiên, nhà đầu tư kênh này sau khi xuống tiền cũng có phần lo lắng? Bởi vì sản phẩm nhà đầu tư bỏ tiền vào phải mất khoảng 2 năm sau mới hoàn thiện và nhận được sản phẩm, nên cũng có những rủi ro nhất định.
Nhìn chung, các kênh đầu tư hiện nay đều có những ưu điểm và hạn chế, việc đầu tư kênh nào còn phụ thuộc vào khẩu vị của giới đầu tư.
Chứng khoán sẽ bước sang kỷ nguyên mới, nếu...
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC (SJCS)
Với nhà đầu tư có sự quan tâm, kiến thức nhất định về chứng khoán thì tôi cho rằng kênh chứng khoán hấp dẫn, trong tương quan so sánh với các kênh hiện nay.
Tôi cho rằng thị trường chứng khoán sẽ bước vào kỷ nguyên mới khi thông tin liên quan đến việc nới room chính thức xác lập và nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Rủi ro cho thị trường chứng khoán hiện nay là sự lo lắng về kinh tế Trung Quốc đang suy giảm và Fed có khả năng tăng lãi suất và câu chuyện tỷ giá.
Việc phá giá VND mạnh ảnh hưởng lớn đến dòng vốn ngoại. Tỷ giá là đã câu hỏi lớn với nhà đầu tư. Nếu tỷ giá biến động mạnh thì nhà đầu tư ngoại sẽ phải xem xét và so sánh với mức độ phá giá của các nước trong khu vực.
Tuy nhiên tỷ giá và sự ổn định của kinh tế vĩ mô tôi nghĩ rằng vẫn trong tầm kiểm soát dự trù cuả nhà đầu tư nước ngoài nên sẽ không ảnh hưởng nhiều. Việc phá giá cũng là một cơ hội đối với các nhà đầu tư mới, đang tích luỹ USD sẽ được mua cổ phiếu giá rẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh Nghị định 60 sắp có hiệu lực. Vì vậy, phá giá và nới room sẽ tạo cơ hội cho dòng tiền mới vào Việt Nam về dài hạn.
Tỷ giá biến động chỉ làm dao động nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ngắn hạn còn về lâu dài nếu ổn định được tỷ giá thị trường chứng khoán Việt sẽ tăng trưởng bền vững hơn.
Kênh vàng là yếu nhất và không nên đầu tư!
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng
Với các nhà đầu tư mạo hiểm, có thể chịu đựng rủi ro tốt thì đầu tư chứng khoán và bất động sản hiện nay là thích hợp do lợi nhuận kiếm được sẽ lớn.
Hiện dòng tiền trong chứng khoán vẫn mạnh, bất động sản đang ấm lên do kinh tế trên đà phục hồi. Kênh chứng khoán thì từ 3 năm nay vẫn là kênh tăng trưởng tốt nhất trong các kênh đầu tư trong khi bất động sản chỉ mới tầm hơn 1 năm hứa hẹn còn nhiều triển vọng.
Ngoài ra các chính sách hiện nay cũng hỗ trợ cho 2 ngành này như người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam, mở room cho khối ngoại... Cái rủi ro lớn nhất của 2 kênh đầu tư này đó chính là phải chọn đúng lĩnh vực (với chứng khoán) và phân khúc (bất động sản) theo từng giai đoạn nếu không dù thị trường có tăng trưởng nhưng vẫn có thể thua lỗ. Như nửa đầu năm 2014 trên TTCK mua cổ phiếu dầu khí thì lời to nhưng nửa cuối năm thì lỗ nặng. Hay năm 2015 là sóng cổ phiếu ngành ngân hàng…
Với những nhà đầu tư thích an toàn, lời ít nhưng chắc thì kênh tiết kiệm và ngoại tệ hiện là sáng giá nhất. Dù tiết kiệm lãi suất không quá cao như những năm trước nhưng lạm phát hiện nay thấp chưa kể hiện đồng USD vẫn đang xu hướng tăng giá trên thị trường quốc tế (chưa kể FED đang “hăm he” tăng lãi suất).
Trong khi đó VND được neo theo USD nên nếu gửi tiết kiệm hay có ngoại tệ là USD để gửi cũng tốt do 2 đồng này sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác (như VND vẫn tăng với EUR, JPY, AUD...) và còn được hưởng thêm lãi tiết kiệm mà an toàn.
Thậm chí kênh đầu tư chứng khoán vẫn được liệt kê ở đây nhưng các nhà đầu tư chỉ nên chọn lựa những bluechips lớn, độ an toàn rất cao như VNM thì vẫn đảm bảo an toàn cho dòng tiền của mình, có tiền cổ tức và tăng giá nhẹ nhàng hàng năm.
Kênh vàng là yếu nhất và không nên đầu tư lý do giá vàng thế giới vẫn bị áp lực giảm giá từ đồng đô la tăng giá. Việc nhiều người cho rằng khủng hoảng vàng lên giá nhưng từ năm 2011 khi nợ công Châu Âu, Hy Lạp, Iran, Trung Quốc, IS... nhưng vàng vẫn đi xuống do USD vốn là đồng tiền định giá vàng mạnh lên. Vàng ở Việt Nam còn rủi ro hơn do giá mua/bán cách xa nhau, chênh lệch với giá thế giới lớn. Chỉ cần khoảng cách này thu hẹp người giữ vàng đã lỗ rất nặng rồi.
Theo Huyền Trâm
Bizlive
Nguồn:Bizlive