Tuy nhiên, trước khi tìm ra được giải pháp phù hợp cho TTCK trong nước, có lẽ chúng ta cần có cái nhìn bao quát xem các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Á khác đang quản lý việc đầu tư của khối ngoại như thế nào.
Gần đây, việc nới room cho NĐT ngoại “nóng” trở lại khi TTCK đặt kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP, trong đó điểm mới nổi bật là việc quy định tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại DN đại chúng (trừ một số ngành nghề đặc biệt) sẽ do điều lệ công ty quy định. Nếu vậy, mức giới hạn NĐT nước ngoài chỉ được nắm giữ tối đa 49% tổng số cổ phiếu của công ty cổ phần đại chúng có thể được gỡ bỏ.
Giữa bối cảnh các NĐT “sốt sắng” với chuyện nới room, nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi chờ đợi quyết định chính thức của Chính phủ, TTCK Việt Nam có thể áp dụng thêm các sản phẩm mới, công cụ đầu tư mới như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVRD) của Thái Lan, hay cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết mà điển hình là Malaysia đang áp dụng. Vậy hãy xem, các quốc gia châu Á đang áp dụng những chính sách nào để quản lý dòng vốn ngoại?
Ngay tại châu Á, cách thức quản lý việc đầu tư của khối ngoại hay quy định về giới hạn sở hữu đối với NĐT nước ngoài tại mỗi quốc gia là khác nhau. Theo đó, có thể chia thành 2 nhóm: không quy định tỷ lệ nắm giữ tối đa cụ thể và có áp dụng những biện pháp riêng nhằm giới hạn dòng vốn ngoại đối với từng khu vực đầu tư.
Không giới hạn tỷ lệ nắm giữ
Một số quốc gia phát triển ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đều không có quy định riêng về tỷ lệ sở hữu tối đa đối với các NĐT nước ngoài trong việc sở hữu cổ phần tại các tổ chức phát hành cổ phiếu. Room cho các NĐT ngoại sẽ do điều lệ của từng công ty quyết định.
Ở TTCK Nhật Bản, chỉ có 17 công ty quy định mức giới hạn sở hữu của NĐT ngoại, thuộc một số ngành đặc thù như hàng không, viễn thông... Trong số đó, có 5 công ty nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 33,3% cổ phần là Nippon Airways, Japan Airlines Corp, Skymark Airline, Nippon Telegraph & Telephone Corp, JSAT Corp. Một số công ty còn lại quy định NĐT nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 20%.
Tại Hàn Quốc, không có mức giới hạn được đặt ra đối với các NĐT nước ngoài tại TTCK nước này. Tuy nhiên, một số công ty đặc thù, thường là những tập đoàn lâu đời của Hàn Quốc, sẽ có điều lệ quy định riêng về mức giới hạn đối với NĐT ngoại.
Hay ở Singapore, tuy TTCK nước này không đặt ra rào cản đối với các NĐT nước ngoài, nhưng một số công ty trong nước thường quy định mức giới hạn riêng trong điều lệ hoạt động. Đây chủ yếu là các công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, hàng không, giao thông quốc gia, truyền thông… và mức giới hạn thường trong khoảng từ 19% đến 70%.
Bên cạnh các quốc gia không đặt ra những giới hạn đối với NĐT ngoại, phần lớn các quốc gia khác tại châu Á đều có những quy định, cách thức riêng để quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK.
Phân loại Chứng khoán
Tại TTCK Trung Quốc, chính phủ nước này phân loại chứng khoán thành những mã riêng, trong đó, nhóm B, H, N hay Red Chips là nhóm các chứng khoán dành riêng cho NĐT ngoại. Các nhóm chứng khoán này được phát hành bởi những tổ chức khác nhau và được niêm yết trên các sàn chứng khoán riêng biệt, tuy nhiên có điểm chung là chỉ dành riêng cho các NĐT nước ngoài muốn tiến hành đầu tư vào Đại lục.
Đối với chứng khoán nhóm A, là nhóm dành riêng cho công dân Trung Quốc, các tổ chức đầu tư nước ngoài được phép (QFII) vẫn có thể tiến hành đầu tư, tuy nhiên, tổ chức này phải đáp ứng được các tiêu chuẩn gắt gao của Chính phủ Trung Quốc. Thêm vào đó, tỷ lệ nắm giữ của một QFII không được vượt quá 10% số lượng cổ phiếu đang giao dịch của tổ chức phát hành.
Bên cạnh việc phân loại từng nhóm chứng khoán riêng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, chính quyền Bắc Kinh còn đặt ra những quy định riêng về sở hữu ngoại cho từng ngành và thường ở mức từ 49% đến 51%, riêng lĩnh vực ngân hàng, tài chính là 49%.
Tại Philippines, quốc gia này cũng như Trung Quốc, áp dụng nhiều biện pháp để quản lý dòng vốn ngoại vào TTCK nội địa. Theo đó, Chính phủ Philippines phân chia cổ phiếu thành 2 loại: nhóm A cho NĐT trong nước và nhóm B dành cho cả NĐT nước ngoài lẫn NĐT trong nước.
Tuy không đặt ra hạn mức tối đa đối sở hữu ngoại, nhưng mức giới hạn cụ thể sẽ do điều lệ hoạt động của mỗi công ty quy định. Một số công ty thuộc lĩnh vực truyền thông, giao thông, tài chính tại Philippines không cho phép NĐT nước ngoài tham gia.
Sử dụng công cụ NVDR
Tương tự như Việt Nam, tại Thái Lan, tỷ lệ cổ phiếu của một công ty do các cá nhân, tổ chức ngoài nước nắm giữ bị giới hạn ở một tỷ lệ nhất định, đối với phần lớn các công ty niêm yết là 49%, riêng lĩnh vực ngân hàng, tài chính là 25%. Điều này đã tạo rào cản cho các NĐT nước ngoài trong việc đẩy mạnh đầu tư vào các công ty trong nước. Chính bởi vậy, Thái Lan đã sử dụng NVDR như một phương tiện đầu tư thay thế, cho phép NĐT nước ngoài nhận được các lợi ích tài chính tương tự như NĐT trong nước, mà không phải quan tâm đến những rào cản về quy định với NĐT nước ngoài.
NVDR là một công cụ tài chính phái sinh mới được phát hành bởi Công ty TNHH Thai NVDR - công ty con có 99,99% vốn thuộc sở hữu của Sở GDCK Thái Lan (SET).
Người nắm giữ NVDR sẽ được hưởng các lợi ích tài chính tương đương với các cổ đông nắm giữ cổ phiếu thông thường khác, điểm khác biệt duy nhất là họ không có quyền biểu quyết. Công ty Thai NVDR sẽ là đơn vị sở hữu hợp pháp số cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết và nắm giữ quyền biểu quyết tương ứng với số cổ phiếu này.
Bên cạnh việc sử dụng NVDR, còn một công cụ khác để quản lý dòng vốn ngoại vào thị trường, đó là phát hành cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết như Chính phủ Malaysia đang áp dụng.
Cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết
Tại Malaysia, Nhà nước không đặt ra các giới hạn về sở hữu của NĐT ngoại ở hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, đối với các công ty viễn thông, NĐT ngoại được phép sở hữu tối đa 61% cổ phần, sau 5 năm sẽ phải giảm xuống mức 49%. Đối với các ngân hàng thương mại, NĐT được phép sở hữu tối đa 49% cổ phẩn.
Để tạo điều kiện thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, TTCK Malaysia tiến hành phát hành các cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết (Restricted Shares). Theo đó, khi các NĐT nước ngoài đạt đến ngưỡng giới hạn tại những công ty bị hạn chế, công ty đó có thể xem xét (không bắt buộc) để phát hành thêm các Restricted Shares. Tại thời điểm tiến hành ĐHCĐ của công ty, Sở Giao dịch chứng khoán Malaysia sẽ xem xét và xác định để NĐT ngoại chỉ được phép biểu quyết theo đúng mức giới hạn đặt ra, những cổ phiếu còn lại do NĐT ngoại nắm giữ vẫn được hưởng các lợi ích tài chính, nhưng sẽ không có quyền biểu quyết.
Có thể thấy, mỗi quốc gia châu Á sử dụng một cách thức riêng, phù hợp với tình trạng của nền kinh tế mỗi nước, nhằm quản lý dòng vốn ngoại đầu tư vào TTCK. Bởi vậy, việc sử dụng phương pháp nào, hay nới room ra sao đối với TTCK Việt Nam là vấn đề cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, không thể mãi chần chừ, bởi nới room là yêu cầu bức thiết nhằm thu hút thêm dòng vốn ngoại và tăng tính thanh khoản cho TTCK trong nước.
Nguồn:Tinnhanhchungkhoan