Trao đổi với Vinanet, ông ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Kinh Bắc chia sẻ những cơ hội cũng như khó khăn khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP.
Đứng đầu một doanh nghiệp lớn, đồng thời là doanh nhân tham gia tích cực vào hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, ông đánh giá thế nào về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập TPP?
Ông Đặng Thành Tâm: Hiệp định Thương mại TPP sau 5 năm đàm phán đã đạt được trên 90%, thời điểm này chỉ chờ Quốc hội các nước thông qua. TPP là thành công chung của thế giới và được đánh giá là hiệp định thế kỷ. Tự do hóa toàn cầu là xu hướng tất yếu, người tiêu dùng được lợi.
Tham gia TPP là thành công vô cùng to lớn của Việt Nam. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của đoàn đàm phán, của Chính phủ Việt Nam. Thực tế, trong TPP, Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất.
TPP hay hơn các hiệp định thương mại tự do khác. Với những hiệp định thương mại Việt Nam đã từng tham gia, các thành viên cần xây dựng lộ trình thực hiện. Nhưng với TPP, nhiều nước thành viên như Mỹ, Canada, Mexico, Nhật Bản,...dự kiến tiến hành giảm thuế ngay lập tức. Riêng Việt Nam là thành viên được ưu tiên lộ trình thực hiện các yêu cầu của TPP chậm hơn ở một vài lĩnh vực như dệt may, hay ngành chăn nuôi.
Trong TPP, lợi thế của Việt Nam là nguồn nhân lực giá rẻ, đây cũng là tiềm năng để thu hút đầu tư sản xuất từ nước ngoài. Đặc biệt, nguồn vốn sẽ không chỉ đổ vào dệt may, các ngành điện tử cũng sẽ cần lượng nhân công lớn.
Việt Nam cũng sẽ được các nước phát triển chuyển giao công nghệ thay vì việc phải nhập khẩu khoa học công nghệ từ các nước không nằm trong TPP. Các nước lớn cũng được hưởng lợi từ việc chuyển giao này, đó là tăng nguồn giá trị trong nước. Vì nếu hàng hóa và nguyên liệu không chiếm tỷ trọng lớn từ các nước TPP, sẽ không được chấp nhận.
Vậy đâu là trở ngại lớn nhất doanh nghiệp và nhà sản xuất trong nước gặp phải khi tham gia sân chơi lớn này, thưa ông?
Khó khăn khi gia nhập TPP là các doanh nghiệp trong nước năng lực thấp, khó cạnh tranh khi doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư cùng một ngành nghề tại Việt Nam. Thứ nữa là chính sách, thể chế và các hệ thống pháp lý của Việt Nam chưa hoàn thiện. Chính vì lý do đó, Chính phủ và Quốc hội đang làm việc tích cực để hoàn thiện các thể chế pháp lý đó, tạo sự minh bạch cho nền kinh tế nhằm đủ tiêu chuẩn tham gia vào sân chơi quốc tế.
Sản phẩm nông nghiệp được cho là thế mạnh của Việt Nam nhưng thực tế, sức cạnh tranh sản phẩm này thấp cả về giá cả và chất lượng. Trong khi, sản phẩm nông nghiệp nước ngoài được Chính phủ hỗ trợ nhiều nên năng suất cao. Ví dụ như Nhật Bản, năng suất lúa đạt 30 tấn/ha, nhưng Việt Nam chỉ được 8-10 tấn/ha.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là lý do gây cản trở trên con đường xuất ngoại của thực phẩm Việt Nam. Thực phẩm Việt Nam dù rẻ nhưng nếu không có chứng chỉ an toàn thực phẩm sẽ không thể xuất khẩu. Cá tra, thịt bò, thị lợn của nước ngoài, từ lúc nuôi đã theo quy trình, cho đến khi ra chợ vẫn có mã số. Nếu ăn bị đau bụng, khách hàng hoàn toàn có thể biết được từ đâu và ai chịu trách nhiệm khi có vấn đề. Trong khi sản phẩm bò, heo, gà của Việt Nam vẫn bị gán mác với nỗi lo có tạp chất.
Tuy nhiên, theo tôi, những khó khăn đó sẽ giúp người nuôi trồng phải vươn lên. Nhìn ở góc độ nào khác, người nuôi trồng nên có thái độ lạc quan. Theo tôi, gà công nghiệp nước ngoài ăn không ngon bằng gà ta của mình. Văn hóa ẩm thực của người phương Tây khác Việt Nam. Trong khi người phương tây thích gà nhão thì người dân mình lại ăn thịt gà dai.
Để tham gia TPP, Việt Nam vẫn còn 2 năm để chuẩn bị. Đối với Việt Nam, sản phẩm mạnh về nông nghiệp là lúa gạo. Do đó, nếu khôn khéo thì nên đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này để cân bằng sự thiếu hụt của mặt hàng kia.
Kể cả đối với ngành mệt may, dù khó khăn đến mấy, nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ và bản thân doanh nghiệp cũng tự nâng cao năng lực cạnh tranh thì tất sẽ thắng. Hơn nữa, điểm mạnh là người lao động của Việt Nam cần cù và đã được "rèn luyện" qua 4 năm khó khăn vừa qua.
Vậy đối với thị trường chứng khoán thì sao? TPP sẽ tác động đến thị trường này như thế nào, thưa ông?
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bùng nổ. TPP đã ký nháp, tín hiệu nền kinh tế tốt lên, chính trị ổn định thì không có lý do gì thị trường chứng khoán không khởi sắc. Mặc dù những ngày đầu tháng 10, thị trường đã khởi sắc nhưng chưa thể đột biến vì một phần do tâm lý.
Nói đến tâm lý nhà đầu tư, tôi nghĩ nó đã tác động khá mạnh đến thị trường thời gian qua. Ví dụ một doanh nhân bị bắt, thị trường phải chịu tác động tiêu cực trong nhiều ngày. Nói đến vấn đề này, tôi có thể chia sẻ rằng, quan điểm của doanh nghiệp và nhà đầu tư không ai muốn bị bắt hay bắt người khác. Nếu làm thất thoát về kinh tế thì phải đến bù về mặt kinh tế. Như vậy xã hội mới công bằng, người dân cũng không bị thiệt. Và việc doanh nghiệp bị bắt không có lợi cho thị trường chứng khoán.
Tới đây, Luật hình sự sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua. Trong đó, người gây hậu quả kinh tế sẽ phải đền bù kinh tế. Nếu không khắc phục được hậu quả kinh tế thì nên dùng biện pháp khác xử lý.
Thực tế, nếu đưa những người gây hậu quả kinh tế vào tù thì sẽ ảnh hưởng đến người lao động và người nghèo. Lãnh đạo một doanh nghiệp ngồi tù sẽ ảnh hưởng đến nguồn lao động tại công ty đó. Người nghèo cũng không hưởng lợi gì nếu một doanh nghiêp ngồi tù, doanh nghiệp ngừng hoạt động. Nhưng nếu gây thiệt hại thì đền bù thiệt hại nhiều hơn kinh tế và khoản phát sinh nữa. Điều đó khiến nền kinh tế không tổn thất.
Thời điểm nào, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu hưng thịnh? Sự tăng trưởng chỉ là tạm thời hay sẽ duy trì đến bao lâu, thưa ông?
Theo tôi, khoảng thời gian Quốc hội họp được nửa kỳ (thời điểm quyết định các chỉ số kinh tế năm 2016 và dự kiến nhiệm kỳ 5 năm) - khoảng đầu tháng 11, thị trường sẽ bắt đầu khởi sắc. Đà tăng sẽ tiếp tục duy trì đến những năm tiếp sau và dự kiến sẽ không có chiều hướng giảm.
Thị trường chứng khoán Mỹ khi khủng hoảng đã giảm từ 14.000 điểm xuống 7.000 điểm. Và hiện nay trở về mức 18.000 điểm, tức tăng khoảng 25% so với thời kỳ đầu. Các thị trường chứng khoán khác như Hồng Kông, Nhật Bản tăng ít nhất 15% so với thời điểm trước khi khủng hoảng.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa trở lại được mốc trước khủng hoảng. Thời kỳ đỉnh cao của thị trường chứng khoán Việt Nam là 1.200 điểm, nhưng đến nay vẫn chỉ ở mức 600 điểm. Có nghĩa nếu các điều kiện thuận lợi tốt, thị trường sẽ năng động trở lại. Giả sử thị trường trở về 1.200 điểm là lúc thị trường đã sôi nổi hơn nhiều, doanh nghiệp cũng không phải đi vay vốn nhiều. Thị trường chứng khoán tốt doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Theo đó, kinh doanh hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông!
Huyền Thương