“Nhìn lại hành trình 19 năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với trọng trách là “bà đỡ” của thị trường chứng khoán Việt Nam, đã và đang nỗ lực xây dựng thị trường chứng khoán ngày càng phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế”, TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bình luận.
Kênh huy động vốn quan trọng
Vai trò của Ủy ban với thị trường chứng khoán đã được thể hiện ra sao, thưa ông?
Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán là mục tiêu đã được Đảng và Chính phủ Việt Nam định hướng từ những năm đầu thập kỷ 90, nhằm xác lập một kênh huy động vốn mới cho đầu tư phát triển. Việc nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập thị trường chứng khoán đã được nhiều cơ quan Nhà nước, các viện nghiên cứu phối hợp đề xuất với Chính phủ.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của sự hình thành thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã được thành lập với chức năng tổ chức và quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Việc thành lập cơ quan quản lý thị trường chứng khoán trước khi thị trường ra đời là bước đi phù hợp với chủ trương xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam, có ý nghĩa quyết định cho sự ra đời của thị trường chứng khoán sau đó hơn 3 năm.
Là cơ quan quản lý chuyên ngành về chứng khoán và thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của thị trường chứng khoán, đồng thời tổ chức và quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán với mục tiêu chính là tạo môi trường thuận lợi cho việc huy động vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo cho thị trường chứng khoán hoạt động có tổ chức, an toàn, công khai, công bằng và hiệu quả, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Ngày 20/7/2000, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với sự kiện khai trương hoạt động của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.
Việc ra đời thị trường chứng khoán vào năm 2000 đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc, hoàn thành nhiệm vụ được giao của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ.
Điều này cũng cho thấy sự cố gắng của Ủy ban trong bối cảnh cơ quan này vừa được thành lập và đi vào hoạt động mới hơn 3 năm, trong khi đó những yếu tố, điều kiện cần thiết cho sự ra đời của thị trường chứng khoán ở nước ta thời điểm đó hầu như chưa có hoặc manh nha ở mức độ thấp và bị ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.
Vậy, sau 19 năm xây thị trường, hình hài của thị trường chứng khoán Việt Nam với chức năng chính là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đã được hoàn thiện như thế nào?
Qua 19 năm, vượt qua nhiều khó khăn từ việc tạo lập những yếu tố ban đầu của thị trường chứng khoán, Ủy ban đã không ngừng trưởng thành, phát triển, đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán và công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đảm bảo các mục tiêu, vai trò và yêu cầu đặt ra.
Thị trường chứng khoán nay đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Từ mốc sơ khởi chỉ có hai doanh nghiệp niêm yết với vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP vào năm 2000, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 678 công ty niêm yết trên hai sở giao dịch chứng khoán, chưa kể hơn 200 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM, quy mô niêm yết tăng 339 lần; vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 1.300.000 tỷ đồng, tăng 1.300 lần so với năm 2000 và tăng 1,78 lần so với đầu năm 2010.
Quy mô vốn hóa thị trường đạt trên 33% GDP, tăng 114 lần so với năm 2000. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân hiện nay đạt hơn 2.000 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 1.400 lần so với năm 2000.
Tính riêng trong 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đã tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng.
Tổng giá trị vốn huy động qua thị trường chứng khoán từ khi khai trương hoạt động đến nay đã đạt gần 2 triệu tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2010 - 2015, mức huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với giai đoạn 2005-2010) và huy động khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh phân phối chính của hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, huy động vốn cho ngân sách Nhà nước. Lượng vốn huy động từ các đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ từ năm 2005 tới nay ước đạt 833.000 tỷ đồng, trong đó huy động trong giai đoạn 2010-2015 đạt 795.830 tỷ đồng, tăng hơn 18 lần so với giai đoạn 2005-2010.
Giá trị dư nợ trái phiếu hiện chiếm khoảng 22% GDP, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 33% GDP. Tính chung cả cổ phiếu và trái phiếu quy mô thị trường chứng khoán chiếm khoảng 55% GDP.
Điều này cho thấy thị trường chứng khoán đang ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần dần hình thành một hệ thống tài chính hiện đại trên nền tảng hài hòa giữa thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ - tín dụng.
Nhờ vào sự phát triển của thị trường chứng khoán, các ngân hàng thương mại huy động được lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu, để đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong tiến trình tái cấu trúc các ngân hàng thương mại.
Từ năm 2005 đến nay, thông qua thị trường chứng khoán, các ngân hàng thương mại đại chúng đã huy động được hơn 252.000 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu, tổng vốn điều lệ tăng từ 20.600 tỷ đồng lên 272.600 tỷ đồng. Vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng được giảm thiểu khi các ngân hàng thương mại lên niêm yết, vì phải minh bạch cơ cấu cổ đông, hoạt động giao dịch của các cổ đông và hoạt động quản trị công ty.
Bên cạnh đó, sự phát triển của thị trường chứng khoán đã thúc đẩy công tác tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, góp phần thiết lập các chuẩn mực mới về công tác quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán đã góp phần vào việc cổ phần hóa khoảng 3.378 doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 và 266 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2011 đến nay.
Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhà nước niêm yết với tổng tài sản tăng bình quân 12%/năm, tổng vốn chủ sở hữu tăng 16%/năm, lợi nhuận tăng khoảng 8,6% năm.
Đối với đầu tư công, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh huy động vốn trọng yếu của Chính phủ. Trong giai đoạn 2010-2015, Chính phủ đã huy động gần 795.830 tỷ đồng thông qua các đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán, tăng 18 lần so với giai đoạn 2005-2010.
Sự đóng góp quan trọng của nhà đầu tư
Tiến tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trên cương vị là người đứng đầu ngành chứng khoán, ông có gửi gắm điều gì tới toàn thể thành viên thị trường và các nhà đầu tư?
Quá trình hình thành và phát triển của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong gần 19 năm qua đã khẳng định vị trí và vai trò trong bộ máy hành chính Nhà nước.
Cho dù là cơ quan thuộc Chính phủ hay là tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn luôn là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; xây dựng chiến lược, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, đồng thời thực hiện quản lý, giám sát thị trường đảm bảo hoạt động và phát triển thị trường chứng khoán nhằm huy động vốn cho đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, góp phần cải cách hệ thống thị trường tài chính, tiến tới hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Thị trường chứng khoán đã và đang là kênh huy động vốn trung và hài hạn cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh ngân hàng khó khăn. Kết quả huy động vốn qua thị trường chứng khoán gần 2 triệu tỷ đồng trong 15 năm qua đã giúp thanh minh cho chứng khoán khỏi tiếng xấu “sòng bạc, nơi hoạt động của người giàu”.
Tuy nhiên, cho dù hoạt động đã được 15 năm, nhưng chứng khoán vẫn là ngành kinh doanh mới ở Việt Nam, chứa đựng nhiều khó khăn, rủi ro.
Sự thành công của ngành chứng khoán ngày hôm nay là kết quả của nhiều yếu tố, đó không chỉ là do ngay từ đầu thị trường chứng khoán đã có cơ quan quản lý, có hệ thống luật pháp điều chỉnh tương đối đồng bộ và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, mà còn có sự đóng góp quan trọng của nhà đầu tư, họ đã bền bỉ tham gia thị trường ngay vào những thời điểm khó khăn nhất.
Theo Hoàng Xuân
VnEconomy
Nguồn:VnEconomy