menu search
Đóng menu
Đóng

Chứng khoán sáng 22/12: SAB không gánh nổi thị trường

14:53 22/12/2016

Dù SAB tiếp tục khởi sắc, cộng thêm sự hỗ trợ của MSN, ROS và HPG, nhưng với sắc đỏ chiếm ưu thế, cùng với đà giảm tại VNM, nhóm ngân hàng, dầu khí, VN-Index không thể giữ được sắc xanh khi chốt phiên sáng nay.
Trong phiên hôm qua (ngày 21/12), dù thị trường xuất phát điểm khá bất lợi, áp lực điều chỉnh của nhiều mã bluechip tiếp tục kéo chỉ số Vn-Index đi xuống và nhanh chóng thủng ngưỡng 660 điểm.
Tuy nhiên, dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu lớn đã giúp thị trường đảo chiều thành công. Trong đó, “ông lớn” ngành bia SAB đã lấy lại phong độ sau 2 phiên giảm sâu, cùng lực đỡ đến từ các trụ cột khác như VNM, GAS, là tâm điểm giúp thị trường hồi phục.
Là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất nhì thị trường, cặp đôi VNM và SAB được nhận định sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn tới diễn biến thị trường. Theo nhận định của MBS, trong phiên 22/12, hai chỉ số có thể tiếp tục tăng điểm. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu hiện tại nhằm tận dụng xu thế hồi phục tích cực của thị trường.
Không nằm ngoài nhận định trên, bước vào phiên giao dịch sáng 22/12, mã lớn SAB tiếp tục tăng cao là điểm tựa chính giúp thị trường có sức bật cao.
Biên độ tăng khá rộng ở SAB cùng đà tăng của các mã lớn như VNM, MSN, ROS đã giúp VN-Index nhanh chóng tiếp cận mốc 670 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là thử thách lớn của thị trường tại thời điểm này bởi lực cầu vẫn còn khá dè dặt, nhà đầu tư chưa mạnh tay chi tiền.
Nếu trong phiên hôm qua, cặp đôi lớn VNM và GAS góp công khá lớn trong việc hỗ trợ thị trường đảo chiều thì trong phiên sáng nay, VNM diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu, còn GAS điều chỉnh khá sâu ngay khi mở cửa và sau gần 1 giờ đã giảm 2,15%.
Trái lại, sau quyết định chi hơn 2.240 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2015 và tạm ứng cổ tức năm 2016 cùng kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cổ phiếu MSN đã tăng khá mạnh trong phiên sáng nay. Hiện MSN tăng 2.600 đồng (+4,2%) lên mức giá 65.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 253.440 đơn vị.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong nhóm ngành thép cũng hỗ trợ tốt trong việc giữ nhịp cho thị trường. Hầu hết các mã trong nhóm như HPG, HSG, NKG, TLH, VGS đều tăng điểm. Trong đó, HPG giao dịch sôi động với 2,85 triệu đơn vị đã được chuyển nhượng thành công, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.
Tương tự, trên sàn HNX, các cổ phiếu trong nhóm dầu khí cũng phần nào gây trở ngại cho thị trường nhưng với sự hỗ trợ tích cực từ một số mã bluechip khác như NTP, DST, SHB, VCS…, đã giúp HNX-Index giữ vững mốc 80 điểm.
Dù SAB và MSN vẫn tăng khá vững nhưng áp lực bán gia tăng trên diện rộng, trong khi lực cung còn hạn chế khiến sắc đỏ chiếm áp đảo khiến thị trường rung lắc. Hầu hết các mã bluechip đều quay đầu giảm điểm khiến thị trường thiếu điểm tựa vững chắc, cả 2 chỉ số cùng lùi về dưới mốc tham chiếu khi chốt phiên.
Trên sàn HOSE có 126 mã giảm và 84 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,38 điểm (-0,06%), chốt phiên tại mức 666,56 điểm. Thanh khoản giảm đáng kể với tổng khối lượng giao dịch đạt 47,46 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.079,35 tỷ đồng.
SAB vẫn duy trì đà tăng mạnh 7.200 đồng (+3,59%) lên mức 208.000 đồng/CP nhưng khối lượng giao dịch chỉ đạt 41.310 đơn vị. MSN tăng 3,67% lên mức 64.700 đồng/CP và khớp 435.850 đơn vị.
Bên cạnh đó, ROS không còn phi mã như giai đoạn trước đây, tuy nhiên, vẫn giữ được nhịp tăng đều trong từng phiên giao dịch, tiếp tục củng cố vị trí là người giàu nhất sàn chứng khoán của Chủ tịch FLC – ông Trịnh Văn Quyết. Với mức tăng 0,6%, ROS chốt phiên tại mức giá 109.200 đồng/Cp và khớp 1,41 triệu đơn vị.
Các mã trên đều đóng vai trò là các “má phanh” giúp thị trường hãm đà giảm sâu trước áp lực bán tăng mạnh và tập trung nhiều ở các mã lớn. Trong nhóm VN30 có tới 24 mã giảm và chỉ 4 mã tăng, 2 mã đứng giá, trong đó, hầu hết các mã lớn như VNM, GAS, PVD, VCB, BID, BVH, CTG… đều giao dịch trong sắc đỏ.
HPG vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE với hơn 4,8 triệu đơn vị, tuy nhiên, đà tăng đã hãm lại với biên độ 1,9%, chốt phiên tại mức giá 42.700 đồng/CP. Ngoài ra, các mã khác trong nhóm ngành thép cũng dần hạ nhiệt, lần lượt các mã NKG, TLH, POM… đều quay về mốc tham chiếu, thậm chí HSG đảo chiều giảm 1%.
Nhận “tín hiệu” đỏ trên sàn HOSE, HNX cũng đã quay đầu giảm điểm trong 30 phút cuối phiên giao dịch bởi áp lực bán gia tăng mạnh.
Chốt phiên, sàn HNX có 79 mã giảm và 49 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,47%) xuống mức 79,87 điểm. Thanh khoản suy yếu với khối lượng khớp lệnh đạt 18,37 triệu đơn vị, giá trị 185,48 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 đóng vai trò lực hãm chính, với 21 mã giảm, 3 mã tăng và 6 mã đứng giá, HNX30-Index giảm 1,51 điểm (-1,05%) xuống mức 142,96 điểm.
Bên cạnh các mã dầu khí nới rộng đà giảm, nhiều mã lớn cũng đã đảo chiều hoặc lùi sâu hơn như NTP giảm 0,63%, VCS giảm 1,36%, ACB giảm 1,12%, CEO giảm 1,61%....
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn