Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có màn khép lại khá đẹp mắt. Dù diễn biến lình xình dưới mốc tham chiếu đã diễn ra trong suốt gần hết phiên giao dịch cuối cùng năm nhưng lực cầu đẩy mạnh trong đợt khớp lệnh ATC đã giúp VN-Index đóng cửa trong sắc xanh, là điểm tựa để nhà đầu tư kỳ vọng về một tương lại xanh trong năm 2017.
Được đánh giá là một năm khá thành công, cùng với chỉ số VN-Index tăng 14,8%, thị trường chứng khoán năm 2016 đã đón thêm nhiều thành viên lớn gia nhập như ROS, SAB, NVL. Sang năm 2017, thị trường hứa hẹn sẽ có thêm sự góp mặt của nhiều bluechip, làm gia tăng thêm lượng hàng có chất lượng và sẽ thu hút thêm dòng tiền lớn.
Bước vào phiên giao dịch 3/1/2017, dù dòng tiền vẫn chưa nhập cuộc do tâm lý kỳ nghỉ lễ vừa qua đi, nhưng thị trường vẫn cố gắng duy trì sắc xanh trong màn dạo đầu của phiên đầu tiên của năm mới.
Các mã có vốn hóa lớn như VNM, MSN, ROS, BID, VCB đang là lực đỡ chính của thị trường. Tuy nhiên, đà tăng tại các mã này còn khá hạn chế khiến độ rộng thị trường chưa đủ lớn để nhà đầu tư tin tưởng vào sắc xanh bền vững. Chỉ số VN-Index dao động nhẹ quanh mốc 665 điểm.
Dù “ông lớn” ngành bia đã đảo chiều thành công trong phiên cuối cùng của năm, nhưng SAB nhanh chóng trở lại sắc đỏ trong phiên đầu năm 2017. Sau 1 giờ giao dịch, SAB giảm 1.800 đồng (-0,91%) xuống mức 195.900 đồng/CP.
Tương tự, NVL giảm 700 đồng (-1,2%) xuống mức 59.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 0,2 triệu đơn vị.
Giao dịch diễn ra khá hạn chế, tổng giá trị giao dịch tại thời điểm này chỉ đạt hơn 400 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Trong đó, sàn HOSE chỉ có duy nhất OGC có khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị; còn trên HNX có KLF chuyển nhượng thành công 2,58 triệu đơn vị.
Sau gần nửa phiên lình xình đi ngang, đà hồi phục mạnh của các cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường có cú bật tăng vọt. Chỉ số Vn-Index có biểu đồ hình thẳng đứng và tiến thẳng lên mốc 670 điểm. Tuy nhiên, tâm lý giao dịch vẫn khá thận trọng khiến thị trường chưa chính thức chinh phục được thử thách trên.
Chốt phiên giao dịch sáng, sàn HOSE có 112 mã tăng và 106 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,59 điểm (+0,69%) lên 669,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 43,73 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 984,71 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,96 triệu đơn vị, giá trị 158,5 tỷ đồng.
VN30-Index tăng 2,96 điểm (+0,47%) lên 631,17 điểm với 18 mã tăng, 9 mã giảm và 3 mã đứng giá.
Điểm nhấn trong phiên sáng nay là các cổ phiếu ngân hàng. Nhóm cổ phiếu này đã nhen nhóm vào sóng khi lần lượt các mã cùng đua nhau tăng mạnh. Điển hình BID và CTG có thời điểm leo lên trần và cùng đóng cửa tại mức giá khá cao.
Trong đó, BID sau 4 phiên giảm liên tiếp đã đảo chiều tăng 5,6%, chốt phiên tại mức giá 15.000 đồng/CP với khối lượng khớp 2,84 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn HOSE. CTG cũng tăng 5,6% lên mức giá 15.900 đồng/CP và khớp 527.380 đơn vị.
Tương tự, sau gần 1 tuần giao dịch thiếu tích cực, VCB cũng đã khởi sắc với mức tăng 3,8%, chốt phiên tại mức giá 36.800 đồng/CP và khối lượng khớp 924.630 đơn vị.
Mặt khác, đi trước một bước - STB sau 6 phiên tăng liên tiếp đã bị chốt lời mạnh và quay đầu giảm 5,3% xuống mức giá 8.950 đồng/CP. Tuy nhiên, giao dịch cổ phiếu này vẫn khá sôi động với 3,37 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE.
Các cổ phiếu ngân hàng cũng là động lực chính, tiếp thêm sức mạnh để sàn HNX dành lại sắc xanh và leo lên mức điểm cao nhất trong phiên sáng.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,08 điểm (+1,35%) lên mức 81,19 điểm. Thanh khoản cũng suy giảm mạnh với tổng khối lượng đạt 17,15 triệu đơn vị, giá trị đạt 150,92 tỷ đồng. HNX30-Index tăng 2,58 điểm (+1,8%) lên 146,12 điểm với 15 mã tăng, 9 mã giảm và 6 mã đứng giá.
ACB là điểm tựa chính khi tăng 1.100 đồng (+6,2%), chốt phiên tặng mức giá 18.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh khá tích cực đạt 969.700 đơn vị.
Bên cạnh đó, SHB cũng leo lên mức giá cao nhất phiên sau diễn biến lình xình đầu phiên. Với mức tăng 4,35%, SHB chốt phiên tại mức giá 4.800 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh đạt 1,89 triệu đơn vị.
KLF vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường với 4,62 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công. Tuy nhiên, do áp lực bán khá lớn khiến KLF quay đầu giảm điểm, thậm chí có thời điểm giảm sàn.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn